Quy định ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm như thế nào
Đại diện một ngân hàng chia sẻ: “Ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi khoản vay theo quy định của pháp luật và quy định tại hợp đồng bảo đảm đã ký kết giữa ngân hàng và khách hàng. Các hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập và thực hiện từ ngày 15/8/2017 thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hợp đồng bảo đảm giữa bên vay và ngân hàng cùng các nghị quyết, nghị định liên quan”.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Khoản 2, Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn thì ngân hàng có quyền xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm.
Về Nghị quyết 42/2017/QH14, Điều 4 của Nghị quyết định nghĩa nợ xấu là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15/8/2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Như vậy, các khoản vay hình thành sau ngày 15/8/2017 sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42/2017/QH14. Thay vào đó, các hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện từ ngày 15/5/2021 thuộc phạm vị điều chỉnh của Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Trường hợp hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trong giai đoạn 15/8/2017 đến 15/5/2021 thì áp dụng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP theo quy định tại Điều 61.1 Nghị định 21/2021/NĐ-CP.
Như vậy, ý kiến của một luật sư trên một phương tiện truyền thông gần đây cho rằng: “Mọi khoản nợ nói chung từ năm 2017 trở đi và nợ xấu của các tổ chức tín dụng nói riêng kể từ ngày 15/8/2017 trở đi không được phép thu giữ tài sản bảo đảm” là hoàn toàn không chính xác. Ý kiến này dẫn đến cách hiểu sai về quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm, ảnh hưởng tiêu cực và gây cản trở đối với quyền xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng.
Về ý kiến cho rằng: “Bộ luật Dân sự 2015 đã cấm, không còn cho phép việc thu giữ tài sản bảo đảm như quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP”, đây là thể hiện sự hiểu biết sai lệch quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thể hiện quan điểm bóp méo những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Bộ luật Dân sự 2015 không có bất cứ điều khoản cấm/hạn chế các bên giao dịch dân sự thỏa thuận với nhau về việc thu giữ tài sản bảo đảm. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự (Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp các bên có thỏa thuận về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận đảm bảo thì bên nhận đảm bảo có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm là phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Như đã dẫn, Khoản 2, Điều 95, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn thì ngân hàng có quyền xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Theo đó, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm. Tuy nhiên, thực tế, các ngân hàng hầu như chỉ áp dụng xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ nhiều lần hoặc giao tài sản bảo đảm cho bên thứ ba sử dụng.
Quy trình khi xử lý tài sản bảo đảm cần tuân thủ quy định. Đơn cử, Điều 63, Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm quy định: Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm: Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm , quyền và nghĩa vụ của các bên.
Như vậy, luật đã có quy định và các ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật cho phép.