Rộng cửa cho ngân hàng tăng vốn
Tăng vốn: Khó khăn nhưng phải có sự chuẩn bị | |
Tăng vốn: Ngân hàng đối diện nhiều thách thức | |
Nhà băng nỗ lực tăng vốn hoàn tất niêm yết |
Cửa đã mở
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Theo đó, bổ sung các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vào danh mục doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Với việc sửa đổi nghị định trên, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý, giúp các NHTM Nhà nước như Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV có thể tăng vốn điều lệ. “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro, ngân hàng càng cần tăng sức đề kháng, nhất là tăng vốn. Bởi rủi ro gia tăng thì CAR của các ngân hàng càng phải dày hơn để ứng phó tốt hay nói cách khác giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động. Nếu không chắc chắn tác động khả năng cung ứng vốn, giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của các ngân hàng”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Tăng vốn sẽ giúp nâng cao khả năng cung ứng tín dụng cho các ngân hàng quốc doanh |
Có quan điểm tương đồng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc tăng vốn cho các NHTM quốc doanh trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng. Nhất là vào thời điểm này khi mà nền kinh tế đang bị tác động bởi dịch bệnh. Vấn đề nợ xấu gia tăng khó tránh khỏi. Do đó ngoài đáp ứng Thông tư 41 của NHNN về tỷ lệ an toàn vốn, việc bổ sung vốn chủ sở hữu để giảm thiểu tác động từ nợ xấu đối với hoạt động ngân hàng là điều rất cần thiết.
Tại thời điểm này, các ngân hàng có thể trông chờ vào ba kênh để tăng vốn: nguồn lợi nhuận để lại; huy động từ các cổ đông hiện hữu và ba là gọi vốn cổ đông tiềm năng. Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, kênh tăng vốn khả thi nhất và các ngân hàng có thể chủ động được là từ nguồn lợi nhuận để lại thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Bởi việc kêu gọi cổ đông tiềm năng lúc này không dễ dàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán cũng đang trồi sụt thất thường vì dịch bệnh. Trong khi việc gọi vốn từ các cổ đông hiện hữu cũng gặp nhiều khó khăn do các nhà đầu tư mang tính phòng thủ nhiều hơn là mở rộng đầu tư.
Với các ngân hàng quốc doanh, việc tăng vốn còn khó hơn gấp bội khi phải được sự chấp thuận của cổ đông Nhà nước. Do vậy, quy định mới tại Nghị định 121 đang tạo thuận lợi cho việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh, đó là một tín hiệu tích cực đối với thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, hiện ngân sách đang gặp khó khăn nên có thể số vốn tăng thêm sẽ không được cao như kỳ vọng ban đầu của các ngân hàng. Nhưng các ngân hàng cũng nên chấp nhận vì trong bối cảnh khó khăn chung cần có sự chia sẻ. “Mặc dù ngân sách đang đối mặt với không ít khó khăn, nhưng Chính phủ nhận thấy việc tăng vốn cho hệ thống ngân hàng là quan trọng hơn nên đã ban hành Nghị định 121 bổ sung các ngân hàng quốc doanh vào danh mục doanh nghiệp được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp”, TS. Hiếu chia sẻ quan điểm.
TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, việc lọt vào danh sách này không có nghĩa là các ngân hàng muốn tăng bao nhiêu cũng được mà phải đợi xét duyệt. Còn được duyệt bao nhiêu thì tùy vào từng thời điểm ngân sách dư dả hay eo hẹp.
Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
Ngân hàng phấn khởi nhất sau khi nghị định này được ban hành có lẽ là VietinBank. Cũng bởi dư địa tăng vốn hầu như đã cạn nên VietinBank đang đứng trước thách thức lớn khi vừa phải đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn Basel II. Do vậy, từ mấy năm nay, ngân hàng đã đề xuất dùng lợi nhuận để chia cổ tức để tăng vốn điều lệ. Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, trên cơ sở quy định tại Nghị định 121, VietinBank đang trình lại phương án tăng vốn chia cổ tức bằng cổ phiếu. “Sau nhiều năm kiến nghị, nghị định này mới được sửa đổi nên ngân hàng phải làm phương án cụ thể để thực hiện. Hiện chúng tôi đã trình NHNN, chờ phê duyệt”, ông Thọ chia sẻ thêm.
Hồi đầu năm trao đổi với báo giới, ông Thọ cho hay, dự kiến sau khi được thực hiện tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2017 - 2018 thì CAR ước đạt khoảng 8,2% theo quy định của Thông tư 41. Còn hiện tại, dù chưa tiết lộ con số cụ thể, nhưng ông Thọ cho biết, ngay sau khi được tăng vốn ngân hàng sẽ công bố áp dụng một cách đầy đủ Basel II. “Khi được tăng vốn ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái cơ cấu hoạt động, đón đầu các cơ hội mới sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Thọ chia sẻ thêm định hướng trong thời gian tới.
Với quy định mới tại Nghị định 121 cũng sẽ giúp các ngân hàng BIDV, Vietcombank hiện thực hóa kế hoạch tăng vốn và cải thiện hệ số CAR, hoàn thành đầy đủ 3 trụ cột Basel II. Vì hiện dù đáp ứng Basel II nhưng tính đến cuối tháng 7, CAR tại nhóm NHTM Nhà nước áp dụng theo Thông tư 41 chỉ ở mức 9,56%, thấp hơn mức 10,72% của nhóm NHTMCP. Về kế hoạch tăng vốn tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 18%, đồng thời phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Nếu hai kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên tối đa ở mức 46.176 tỷ đồng. Còn tại Đại hội cổ đông hồi tháng 3/2020, cổ đông BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỷ đồng (tương ứng tăng 15,5%) lên 46.432 tỷ đồng bằng việc phát hành cổ phần để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Dù chưa thể lượng hóa được con số nhưng có thể khẳng định, Nghị định 121 sẽ giúp cánh cửa tăng vốn của các NHTM có vốn nhà nước rộng rãi hơn thay vì bó hẹp như trước kia, giảm nhẹ áp lực gánh nặng tài chính cho họ. Với năng lực tài chính dồi dào các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ trong hệ thống các TCTD tiếp tục đảm bảo vai trò chủ lực cung ứng vốn tín dụng cho phát triển kinh tế trong thời gian tới.