Rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện
Năm 2023, EVN tăng giá điện 2 lần nhưng vẫn thua lỗ Thiếu cơ chế cụ thể phát triển điện khí LNG tại Việt Nam Người dân "hoa mắt" với hóa đơn tiền điện sau Tết, EVN nói gì? |
Việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện. |
Điều chỉnh giá 3 tháng 1 lần để phù hợp với kinh tế thị trường
Dự thảo quy định ngoài phạm vi điều chỉnh tăng giá trong biên độ 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và hơn 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.
Đây là điểm mới so với trước, khi Quyết định 24 chỉ cho EVN thẩm quyền tăng giá ở mức từ 3 - 5%. Tuy nhiên ở cơ chế lần này, sau khi các cấp (gồm Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ) thông qua quyết định tăng giá, thẩm quyền điều chỉnh sẽ giao về cho EVN thực hiện.
Để điều chỉnh giá điện theo lộ trình, tránh giật cục, dự thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Quy định này nhằm giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn.
GS. Viện sĩ Trần Đình Long chia sẻ, việc điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng cho phép EVN có thể bám sát tình hình biến đổi của thị trường ở trong nước cũng như trên thế giới. Trước đây, 6 tháng mới điều chỉnh giá điện 1 lần sẽ khó bắt nhịp với sự biến đổi của thị trường khu vực và thế giới.
TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ, việc điều chỉnh này là hợp lý, bởi thực tế, các biến động của thị trường cần được phản ánh vào chi phí đầu vào cũng như giá thành sản xuất của tất cả mọi loại hàng hóa, và điện cũng vậy. Giá xăng dầu, giá than, giá khí... thay đổi thì cũng làm cho giá thành sản xuất điện thay đổi. Do đó, việc điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần là phù hợp với kinh tế thị trường.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc giá điện cần điều chỉnh theo lộ trình để giảm thiểu tác động tới kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện. Cần xem xét tới việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện để vừa đảm bảo chi phí không bị dồn tích quá nhiều có thể gây ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Bên cạnh đó cũng dần đưa giá điện thích ứng với sự biến động của các thông số đầu vào theo thị trường.
Nội dung đề xuất này cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Cần có cơ chế phối hợp rõ ràng
Theo dự thảo mới, Bộ Công Thương sẽ có vai trò chính trong điều hành giá điện, song Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện.
Chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, GS. Viện sĩ Trần Đình Long cho rằng, vấn đề này nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc điều hành giá điện và tránh dư luận vẫn cho EVN độc quyền, có những quyết định không phù hợp với thực tế.
Theo TS. Định Trọng Thịnh, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý toàn diện và đầy đủ, mang tính pháp lý đối với EVN. Tuy nhiên, trong thực tế EVN lại nằm dưới sự quản lý về vốn, về mặt tài chính của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, EVN cần phải được quản lí về tài chính để những khoản chi hợp lý được tính vào chi phí sản xuất, tính vào giá thành, hay không hợp lý và phải gạt ra khỏi chi phí sản xuất... cần được kiểm soát để từ đó hình thành giá điện, lợi nhuận cũng như các yếu tố cấu thành nên giá điện bán lẻ.
TS. Định Trọng Thịnh cho biết, Bộ Tài chính là bộ có quyết định về quản lý giá của nền kinh tế, họ quyết định rằng giá điện đó có phù hợp hay không.
Điện là một mặt hàng chiến lược và đặc biệt, do đó Nhà nước vẫn đang điều hành và quản lý giá điện, cân đối giá bán. Bởi vì, giá điện phải cân đối với giá lĩnh vực khác để đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế và cũng phù hợp với mức sống của người dân và điều kiện sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quản lý chuyên môn sâu cũng cần có sự phối hợp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quan trọng là cơ chế phối hợp giữa các bên cần rõ ràng, minh bạch.
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), với vai trò là bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương giữ vai trò, trách nhiệm chính trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và trong quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện, cũng như tham mưu Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giá điện.
Trên cơ sở quy định về Quy chế làm việc của Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan liên quan đã được quy định, Bộ Công Thương cho rằng việc bộ này là cơ quan chủ trì kiểm tra, rà soát; Bộ Tài chính có ý kiến tham gia với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giá, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến tham gia đối với các nội dung liên quan trong phạm vi được phân công quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật là phù hợp.