Năm 2023, EVN tăng giá điện 2 lần nhưng vẫn thua lỗ
EVN lên kịch bản cung cấp điện cho năm 2024 Rà soát tiến độ các dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối Ngành sản xuất tìm cách tiết kiệm điện |
Thời gian tới, EVN sẽ chủ động trong việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường. |
Ngày 2/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Theo báo cáo của EVN, quy mô hệ thống điện Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt khoảng 80.555 MW về tổng công suất nguồn, tăng thêm khoảng 2.800 MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 27% toàn hệ thống. Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Báo cáo của EVN cho thấy, một số kết quả chính về sản xuất - cung cấp điện năm 2023 cụ thể như: điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm trước; điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỷ kWh, tăng 3,52%.
Đối với công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải, kết quả thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 của EVN ước đạt 1.815 triệu kWh. Bên cạnh đó, hơn 11.730 khách hàng có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại với các tổng công ty điện lực, tiềm năng DR khoảng 2.860 MW.
EVN cho biết, doanh thu bán điện EVN năm 2023 ước đạt 497.000 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022; tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỷ đồng, bằng 94,7% so với năm 2022; giá trị nộp ngân sách năm 2023 toàn Tập đoàn ước đạt 21.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo báo cáo của EVN, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện (do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao) nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN, giá các loại nhiên liệu cho sản xuất điện mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao nên chi phí khâu phát điện tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo cân đối tài chính của EVN.
Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, tình trạng thiếu điện đã nhìn nhận nhiều năm trước, nhưng chúng ta chưa có giải pháp căn cơ.
Hiện chi phí sản xuất giá thành điện là 2.092,78 đồng/kWh, giá thành bán ra là 1.950 đồng. Tuy vậy, giá thành sản xuất mà chúng ta phải mua điện từ đơn vị EVN và nguồn ngoài là gần 1.620 đồng/kWh, cho thấy tỉ trọng nguồn phát điện chiếm 80% chi phí giá thành.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây là con số bất bình thường, cần phải xem xét lại việc vận hành thị trường điện. Bởi thực tế từ các nước, giá thành sản xuất điện từ nguồn phát giao động 40-50%, còn lại các khâu truyền tải, phân phối. Trong khi ở ta chiếm tới 80%, ảnh hưởng cân đối tài chính và tối ưu hóa hoạt động.
EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, đây là nhiệm vụ khó khả thi.
Dự báo trong năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thử thách. Trong bối cảnh đó, EVN đã xây dựng Kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững.
Báo cáo của EVN chỉ rõ, Tập đoàn đặt mục tiêu tập trung mọi nỗ lực nhằm cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Bước vào năm 2024, EVN đã đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chính nhằm nỗ lực vượt khó để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
EVN phấn đấu điện thương phẩm đạt từ 262,26 -269,3 tỷ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%; năng suất lao động tăng trên 8%; kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn: 101.911 tỷ đồng, đồng thời phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, nếu không tăng giá điện thì không thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN. Bên cạnh đó, EVN cũng cần mạnh dạn cải tổ nhân sự, nếu không dám nghĩ, dám làm thì năm 2024 sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, EVN sẽ chủ động, tích cực, kịp thời hơn nữa trong việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, không để lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, sớm xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu 225 MW nguồn điện từ Lào.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Bộ Công Thương đang rà soát chính sách, đề xuất sửa Luật Điện lực và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2024, trong đó các kiến nghị của EVN về cơ chế phát triển năng lượng, thị trường điện, giá sẽ được ghi nhận trong quá trình sửa luật, các văn bản hướng dẫn để đảm bảo tập đoàn này hoạt động thuận lợi hơn.