Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng lần đầu tiên trong năm nhưng tiêu thụ vẫn còn yếu
Tốc độ tăng nói trên cao hơn mức dự báo tăng 1,5% tại cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của Reuters, cải thiện rất nhiều so với mức giảm 1,1% trong tháng 3.
Ảnh minh họa |
Sau nhiều tháng áp dụng biện pháp phong tỏa, Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt.
Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn trong quá trình phục hồi, khi đại dịch hiện đã quét qua toàn cầu, ảnh hưởng đến các nền kinh tế và đối tác thương mại lớn của Trung Quốc.
Louis Kuijs, Trưởng phòng Kinh tế châu Á tại Oxford Economics, dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
"Nhưng do tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước", ông nói. "Chúng tôi dự đoán sự cải thiện trong tiêu dùng sẽ tiếp tục, từ yếu đến mạnh dần lên. Đáng chú ý, chúng tôi cũng nhận thấy đầu tư đang đóng góp vượt trội hơn tiêu dùng khi lĩnh vực này được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ quan trọng".
GDP của Trung Quốc đã giảm 6,8% so với cùng kỳ trong quý I, lần đầu tiên thu hẹp kể từ ít nhất là năm 1992.
Chỉ số giá sản xuất, được công bố đầu tuần này, đã giảm mạnh nhất trong bốn năm, cho thấy nhu cầu đối với sản phẩm công nghiệp suy yếu.
Nhiều nhà máy tại Trung Quốc đang phải vật lộn với việc các đơn đặt hàng ở nước ngoài bị cắt giảm hoặc hủy bỏ, trong bối cảnh họ đã hoạt động trở lại nhưng nhu cầu toàn cầu vẫn còn ảm đạm.
Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã có sự hồi phục bất ngờ vào tháng Tư, một phần do nhu cầu về vật tư y tế, thì nhập khẩu đã giảm mạnh hơn dự kiến, báo hiệu nhu cầu nội địa yếu.
Khảo sát ngành sản xuất trong tháng 4 cho thấy sự sụt giảm mạnh trong đơn hàng xuất khẩu.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết vào Chủ nhật rằng sẽ tăng cường can thiệp chính sách hỗ trợ nền kinh tế, trong đó sẽ bao gồm trợ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiêu thụ còn yếu với doanh số bán lẻ giảm 7,5% trong tháng 4, cao hơn mức giảm 7,0% được dự báo.
Doanh số bán lẻ sụt giảm trong ba tháng đầu năm do các cửa hàng, nhà hàng và những tụ điểm đông người trên khắp đất nước phải đóng cửa.
Đầu tư tài sản cố định đã giảm 10,3% trong bốn tháng đầu năm, cao hơn mức dự báo giảm 10,0% nhưng thấp hơn mức giảm 16,1% trong ba tháng đầu năm.
Riêng đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, chiếm 60% tổng vốn đầu tư, đã giảm 13,3% trong bốn tháng đầu năm, thấp hơn mức giảm 18,8% trong ba tháng đầu năm.