Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng nhanh, nhưng xuất khẩu vẫn chậm
Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất các bộ phận kim loại cho đồ nội thất tại một nhà máy ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. |
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 50,9 điểm trong tháng 6, cao hơn so với mức 50,6 điểm của tháng 5, dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia (NBS) cho biết sáng nay, 30/6.
50 điểm là mức phân tách giữa sự mở rộng và sự co lại của ngành sản xuất trong tháng công bố.
Sự gia tăng điểm số PMI đã được củng cố bởi tốc độ tăng nhanh của sản lượng, đạt 53,9 điểm trong tháng 6 từ 53,2 điểm của tháng trước.
Chỉ số đơn đặt hàng mới cũng được cải thiện, tăng lên 51,4 điểm tháng này, từ 50,9 điểm trong tháng 5, cho thấy nhu cầu trong nước đang tăng khi các ngành công nghiệp từ kim loại màu đến máy móc và thiết bị nói chung đều cải thiện.
Nhưng đơn đặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục sụt giảm, mặc dù tốc độ giảm có chậm hơn, với chỉ số này ở mức 42,6 điểm trong tháng 6, từ 35,3 điểm trong tháng 5, thấp hơn nhiều so với mốc trung tính 50 điểm.
"Mặc dù chỉ số PMI đã tăng trong tháng này và lĩnh vực sản xuất có biểu hiện đã phục hồi ổn định, nhưng phải thấy rằng sự không chắc chắn vẫn còn", Zhao Qinghe, một quan chức từ Cục Thống kê quốc gia Trung quốc, nói.
Còn nhiều bất định
Dữ liệu gần đây được tổng hợp bởi Tập đoàn Nomura cũng cho thấy tình hình tốt hơn với ngành sản xuất của Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất điện, tài sản và ô tô, khiến tập đoàn tài chính này tăng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II lên 2,6%, từ 1,2% trước đó.
Trong khi chi tiêu công được mở rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, được dự đoán sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế trong phần còn lại của năm nay, một số nhà phân tích cảnh báo không nên quá lạc quan quá sớm, do những bất định vẫn tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.
Nhu cầu xuất khẩu vẫn còn yếu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diến biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuyên gia thậm chí lo ngại một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu có thể trở nên rõ rệt hơn khi bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai - yếu tố có thể buộc nhiều quốc gia phải áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa.
Ngay tại Trung Quốc, hồi đầu tháng này, một địa điểm đột ngột được báo cáo có hơn 200 ca nhiễm mới, liên quan đến một chợ thực phẩm tại Bắc Kinh - làm dày thêm mối quan ngại ảnh hưởng kinh tế từ Covid-19.
Bắc Kinh đã công bố một loạt biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại và hỗ trợ tạo việc làm, nhưng suy thoái toàn cầu có nghĩa là hoạt động kinh tế vẫn còn "chắp vá" trong hầu hết các lĩnh vực.
Mặc dù nhu cầu mạnh hơn, các nhà máy vẫn phải giảm số lượng nhân công lần thứ hai vào tháng 6 kể từ khi họ mở cửa trở lại, với chỉ số về việc làm giảm xuống 49,1 điểm từ 49,4 điểm vào tháng 5, cuộc khảo sát PMI cho thấy.
Một cuộc khảo sát độc lập khác cho biết, PMI lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên 54,4 điểm trong tháng 6, từ mức 53,6 điểm trong tháng 5, cho thấy sự ổn định của niềm tin kinh doanh.
Tuy nhiên, chỉ số về hoạt động xây dựng, động lực tăng trưởng chính, đã giảm xuống 59,8 điểm từ 60,8 điểm của tháng trước, theo cuộc khảo sát, nhấn mạnh tính chất không đồng đều của sự phục hồi.