Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng
Sáng 10/4: Tỷ giá trung tâm tiếp đà giảm nhẹ Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/4 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.046 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước.
Hiện Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước chưa niêm yết tỷ giá mới, giá bán USD ở mức 25.187 VND/USD và giá mua ở mức 23.400 VND/USD.
Trong khi đó, giá mua - bán bạc xanh tại các ngân hàng thương mại có tăng, có giảm với biên độ nhẹ so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.695 VND/USD (thấp hơn 7 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 24.810 VND/USD. Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 25.115 VND/USD (cao hơn 5 đồng), giá bán cao nhất đang ở mức 25.144 VND/USD (thấp hơn 11 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 105,147 điểm, giảm nhẹ 0,043 điểm so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh giảm nhẹ những vẫn ổn định sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến, làm giảm kỳ vọng về việc Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, trong khi yên Nhật suy yếu.
Yên Nhật trượt xuống mức thấp nhất trong 34 năm qua, ở mức 153,24 JPY/USD trong phiên hôm qua khiến thị trường lo ngại về sự can thiệp trở lại, khi các nhà chức trách của Nhật Bản nhắc lại rằng họ sẽ không loại trừ bất kỳ bước đi nào để đối phó với sự biến động quá mức của đồng tiền nội tệ.
Chuyên gia tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda cho biết: “Những biến động gần đây diễn ra nhanh chóng. Chúng tôi muốn phản ứng thích hợp trước những động thái quá mức mà không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào”.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ 3 lần vào năm 2022 khi yên Nhật trượt xuống mức thấp nhất trong 32 năm là 152 JPY/USD.
Sáng nay, yên Nhật tăng 0,21% lên 152,84 JPY/USD, vẫn gần mức thấp nhất 153,24 của hôm qua, sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,4% so với cùng kỳ trong tháng Ba, gần đúng với dự báo (0,3%) mà các chuyên gia kinh tế dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters trước đó.
Chuyên gia phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com, Kyle Rodda kỳ vọng chính quyền Tokyo sẽ tiếp tục lên tiếng và can thiệp nếu "mọi việc có vẻ mất trật tự" hơn.
“Yếu tố rất thú vị là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cuối cùng sẽ xử lý vấn đề này như thế nào… Chúng ta có thể thấy thái độ diều hâu hơn và đó sẽ là chất xúc tác cho một sự thay đổi bền vững hơn”, Rodda nhận định.
Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda cho biết hôm thứ Tư rằng ngân hàng trung ương sẽ không trực tiếp phản ứng với các động thái tiền tệ trong việc thiết lập chính sách tiền tệ, gạt bỏ những suy đoán của thị trường rằng đồng yên Nhật giảm mạnh có thể buộc họ phải tăng lãi suất.
BoJ vào tháng trước đã kết thúc 8 năm giữ lãi suất âm nhưng yên Nhật vẫn giữ nguyên ở mức gần 151 JPY/USD kể từ đó. Lãi suất thấp của Nhật Bản đã khiến yên Nhật trở thành đồng tiền được lựa chọn cho các giao dịch chênh lệch giá trong nhiều năm, trong đó các nhà đầu tư thường vay một loại tiền có lãi suất thấp để bán và đầu tư số tiền thu được vào các tài sản có mệnh giá bằng đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Sau dữ liệu lạm phát của Mỹ, các nhà đầu tư đã giảm mạnh đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất trong năm nay cũng như thời điểm Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng. Thêm vào những nghi ngờ đó, biên bản cuộc họp tháng Ba của Fed được công bố hôm thứ Tư cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã "thất vọng" trước các chỉ số lạm phát gần đây.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện đang dự đoán khoảng 18% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, giảm mạnh so với 50% trước khi có dữ liệu CPI, và họ cho rằng tháng Chín sẽ là điểm khởi đầu tiếp theo cho việc cắt giảm lãi suất.
Các nhà đầu tư cũng đang dự đoán mức cắt giảm 43 điểm cơ bản trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 75 điểm cơ bản mà ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến. Vào đầu năm, các nhà đầu tư đã dự đoán mức cắt giảm hơn 150 điểm cơ bản trong năm 2024.
Kevin Cummins, chuyên gia kinh tế trưởng Mỹ tại NatWest, cho biết các xu hướng mới nhất về CPI cơ bản đang đi sai hướng để Fed có đủ niềm tin vào lạm phát trước thời điểm cuộc họp tháng Sáu diễn ra.
“Bây giờ chúng tôi dự kiến đợt cắt giảm đầu tiên, khoảng 25 điểm cơ bản sẽ diễn ra tại cuộc họp tháng Chín thay vì tháng Sáu, sau đó là hai đợt cắt giảm bổ sung trong năm nay”, ông nói.
Báo cáo lạm phát nóng đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn và chỉ số bạc xanh đã tăng hơn 1% trong phiên hôm qua, lên gần mức cao nhất trong 5 tháng.
Sáng nay, euro tăng nhẹ 0,03% lên 1,0746 USD, sau khi giảm 1% vào thứ Tư trước cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào cuối ngày. ECB dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất nhưng trọng tâm là các bình luận từ các quan chức để xem liệu tháng Sáu có phải là điểm khởi đầu cho việc cắt giảm lãi suất hay không.
Bảng Anh sáng nay cũng tăng nhẹ 0,03% lên 1,2544 USD, trong khi đô la Úc tăng 0,08% lên 0,6517 USD và đô la New Zealand giảm 0,7% xuống 0,5981 USD.