Sáng 24/5: Tỷ giá trung tâm tăng tiếp 6 đồng
Sáng 23/5: Tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng 4 đồng Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/5 |
Ngân hàng Nhà nước sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.264 đồng, tăng 6 đồng so với phiên trước.
Sáng nay, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.
Trong khi đó, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng điều chỉnh lên mức 25.477 VND/USD.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 25.230 VND/USD (tăng 50 đồng), giá mua cao nhất đang ở mức 25.282 VND/USD (cao hơn 12 đồng). Ở chiều bán ra, giá bán USD được hầu hết các ngân hàng niêm yết ở mức 25.477 VND/USD (cao hơn 7 đồng).
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), hiện ở mức 105,074 điểm, tăng nhẹ +0,026 điểm so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh nhích nhẹ và hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất trong một tháng rưỡi - khoảng 0,6%, được hỗ trợ bởi các chỉ số kinh tế "mạnh mẽ đáng ngạc nhiên" của Mỹ và quan điểm diều hâu hơn trong biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố.
Tính đến thời điểm hiện tại, đô la Úc đã giảm khoảng 1,3%, đô la New Zealand giảm nhẹ khoảng 0,6%; trong khi euro giảm khoảng 0,5% trong tuần so với bạc xanh.
Số liệu vừa được công bố cho thấy, trong tháng Năm, hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng tốc lên mức cao nhất chỉ trong hơn hai năm và các nhà sản xuất báo cáo giá của nhiều loại hàng đầu vào tăng vọt, khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ giảm xuống.
“Các nhà đầu tư đã đẩy thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Fed sang tháng 12”, chuyên gia kinh tế Jameson Coombs của Westpac nói.
Biên bản cuộc họp kết thúc vào ngày 1/5 của Fed được công bố cho thấy một cuộc tranh luận trực tiếp giữa các nhà hoạch định chính sách về việc liệu lãi suất hiện tại có đủ thắt chặt để hạ nhiệt lạm phát hay không, một lần nữa khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại việc cắt giảm lãi suất.
Bạc xanh tăng giá đã gây áp lực nặng nề lên yên Nhật, vốn đã suy yếu khoảng 0,8% trong tuần tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, yên Nhật cũng giảm giá so với euro, không xa mức đáy 22 năm của tháng trước ở mức 171,44 JPY/EUR.
Lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã chậm lại tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Tư, phù hợp với dự đoán của thị trường ở mức 2,2%.
Euro đã nhận được một sự hỗ trợ nhỏ khi chỉ số tiền lương quan trọng của châu Âu tăng lên, tăng 4,7% trong quý trước. Điều đó đã làm thị trường phải đánh giá lại việc đặt cược cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu và giúp euro thoát khỏi mức thấp nhất trong 9 tháng so với bảng Anh.
Tuy nhiên, các phản ứng là "rất nhỏ" và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã viết trong một bản tin nêu bật các yếu tố chỉ xảy ra một lần góp phần vào việc tăng lương. Thị trường vẫn dự đoán gần 90% khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Vào cuối ngày, các nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức, doanh số bán lẻ của Anh và Canada, đơn đặt hàng lâu bền của Mỹ và các bài phát biểu từ các nhà hoạch định chính sách của ECB, Cục Dự trữ Liên bang - đặc biệt là Thống đốc Fed Christopher Waller về lãi suất dài hạn.
Sáng nay, euro và bảng Anh ổn định và giao dịch lần lượt ở mức 1,0814 USD và 1,2698 USD; trong khi yên nhật giảm 0,6% xuống 157,02 JPY/USD.
Với 2 đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, đô la Úc sáng nay giảm 0,06% xuống 0,6602 USD và đô la New Zealand đi ngang ở mức 0,6097 USD.