Sau dịch Covid-19, kinh doanh trực truyến lên ngôi
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử những năm qua cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2019, hai thành phố này chỉ chiếm 18% dân số nhưng có trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Đáng chú ý, tỷ trọng 70% này giữ ổn định trong cả giai đoạn 2016-2019 và dự báo còn tiếp tục chiếm ưu thế.
Các số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm nay cả nước có 68.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó phần lớn có quy mô nhỏ và ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Trước ảnh hưởng này, mô hình kinh doanh trực tuyến đã trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều doanh nghiệp, giúp họ tăng doanh thu và giữ chân khách hàng.
Theo ông Lê Hoàng Long, Manager Retailer Service của Nielsen Việt Nam, các khảo sát được Nielsen Việt Nam thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng, nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử đã có sự tăng lên rõ rệt kể từ khi đại dịch bùng phát.
“Tuy vậy, xu hướng mua online lại có dịch chuyển khi các số lượng đơn hàng về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên còn nhóm hàng thời trang, phi thực phẩm giảm đi. Vì thế kinh doanh thương mại điện tử cần có sự thay đổi phù hợp để nắm bắt xu hướng mới của khách hàng”, ông Lê Hoàng Long chia sẻ.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nếu không có sự thay đổi, bứt phá thì doanh nghiệp sẽ khó mà tồn tại được. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có cách phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian ngắn, với ngân sách thấp nhất có thể, hay còn gọi là chiến lược “growth hacking”.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần triển khai các chiến lược tăng trưởng đột phá, nhất là sau khi cơn bão Covid-19 qua đi. Ông Đặng Hoàng Hải cho biết, Airbnb, Facebook, Pinterest, Instagram, Dropbox, Hubspot, Hotmail đã bắt đầu từ số 0 đến khi có hàng chục triệu người dùng chỉ trong vài năm ngắn ngủi.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, các doanh nghiệp, startup có thể không đi theo con đường của những gã khổng lồ này, nhưng hoàn toàn có thể học hỏi những chiến lược “growth hacking” để áp dụng hậu Covid-19.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, để kinh doanh bứt phá nhanh, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp tiếp thị super app (còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một - one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán…
Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc của ACCESSTRADE Việt Nam cho rằng: “super app” là xu thế bởi mô hình này giúp doanh nghiệp thêm khách hàng mới từ đối tác và giảm chi phí giữ chân khách hàng với nhiều dịch vụ, từ đó giảm chi phí marketing tăng doanh thu hiệu quả hơn.
Người dùng có thể không có nhu cầu rõ ràng về super app nhưng họ muốn tiện lợi, nhanh chóng nên đây sẽ là xu thế kinh doanh mới.