Số hóa gia tăng lợi ích cho người dân
Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ số hóa | |
Số hóa ngân hàng góp phần thay đổi doanh nghiệp |
Cuối tuần qua, NHNN phối hợp với Dự án Giz của Đức tổ chức Chương trình bồi dưỡng Chuyển đổi số cho lãnh đạo cấp vụ của ngành Ngân hàng khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, chuyển đổi số phải tạo ra tiện ích tối đa cho người dùng, từ những hoạt động đơn giản nhưng cần thiết như đóng phí, thanh toán dịch vụ y tế… người dân đều có thể thao tác trên điện thoại thông minh (smartphone)...
Những năm gần đây, ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh số hoá trên nhiều mảng, từ thanh toán đến các dịch vụ cho vay, huy động. Hiện NHNN tiếp tục xây dựng các quy định số hoá dịch vụ bảo lãnh và thời gian tới quy định về hoạt động cho vay bằng phương thức điện tử sẽ hoàn chỉnh hơn nhằm tạo cơ chế, chính sách cho thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển hơn… Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không phải công việc riêng của ngân hàng, ngân hàng số hoá dịch vụ sẽ tác động tích cực lên quá trình thực hiện nền kinh tế số - Chính phủ số và xã hội số.
Nhưng “hiện đại liệu có hại điện”? Về vấn đề này, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đưa ra một ví dụ: một nhân viên giao dịch ngân hàng sẽ khó phát hiện ra chứng minh nhân dân hay thẻ căn cước giả bằng mắt thường, nhưng khi sử dụng công nghệ thì có ít nhất 40 kỹ thuật phân tích máy tính sẽ dò tìm để xác định đó là giấy tờ giả hay thật.
Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, ngân hàng cũng có nhiều biện pháp để kiểm soát và phòng ngừa rủi ro.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB chia sẻ, 5 năm trước khi MB mới thực hiện số hoá cũng có nhiều câu hỏi đặt ra như: Số hoá dịch vụ ngân hàng có tạo ra giá trị cho khách hàng không; và ngân hàng sẽ tạo ra bao nhiêu doanh thu, năng suất lao động; bảo mật và quản trị rủi ro như thế nào trong bức tranh cạnh tranh ngân hàng...
Thực tế đã chứng minh số hoá có thể giúp ngân hàng đo đếm chính xác hành vi tiêu dùng của khách hàng. Trước đây ngân hàng phải dựa vào báo cáo tháng, quý tổng kết số liệu để phân tích hành vi, xác định thói quen của khách hàng sau đó mới nghiên cứu đưa ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Nay quá trình đó được tự động hóa nhanh hơn, chính xác hơn. Tại MB số hoá đã giúp tạo ra 23,6% doanh thu, 22,4% năng suất lao động trên doanh thu (tính trên lợi nhuận đạt trên 50%), lao động giữ ổn định trong suốt thời gian qua. Nhờ chuyển đổi số MB đến nay đã có 17 triệu và chỉ cần một năm nữa sẽ đạt 20 triệu khách hàng (trở thành ngân hàng lớn nhất về khối lượng khách hàng trên thị trường) - mục tiêu 5 năm trước đặt ra cho năm 2026.
Lợi ích của chuyển đổi số cũng được ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, giao dịch tại quầy hiện nay chỉ còn hơn 6%, giao dịch trên mobile banking lên đến hơn 80% và là kênh cải thiện nhiều nhất. Mặc dù kênh tại quầy tỷ trọng rất thấp nhưng ngân hàng vẫn duy trì để phát triển thương hiệu ngân hàng.
Chuyển đổi số không phải dự án mà là một quá trình và số hoá quan trọng nhất vẫn là con người. Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Chuyển đổi số Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, vì sao một số tổ chức, cá nhân chuyển đổi số thành công nhưng cũng có rất nhiều đơn vị thất bại. Mỗi tổ chức phải chọn được cho mình một mục đích theo đuổi, trong đó cần xác định mảng nghiệp vụ hoạt động riêng. “Chuyển đổi số không phải phong trào, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân và tổ chức”, Cục Chuyển đổi số Quốc gia nhắc nhở.