Số hóa ngân hàng góp phần thay đổi doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đức Lệnh |
Thưa ông, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng TP.HCM đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và tăng khả năng tiếp cận, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng?
Một trong những chương trình trọng tâm và hành động quyết liệt của ngành Ngân hàng nói chung và của NHNN thành phố nói riêng là tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, gắn với việc thực hiện đề án mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN Việt Nam trên địa bàn TP.HCM.
Trong đó, chúng tôi tham mưu UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch thực hiện đề án này trên địa bàn, với mục tiêu phối hợp với các sở ngành, quận huyện để thực hiện hiệu quả hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt lĩnh vực công gắn với quá trình thực hiện đề án đô thị thông minh của thành phố, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố trong giai đoạn tới.
Ở góc độ quản lý, thực tế cho thấy khi chúng ta thực hiện tốt hoạt động này đã, sẽ mang lại cho doanh nghiệp và cả các TCTD trên địa bàn những động lực thực hiện chuyển đổi số theo mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những tác động này xuất phát từ hai yếu tố sau: Thứ nhất, cung cấp dịch vụ ngân hàng hiện đại, dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp và người dân, giúp giảm thiểu chi phí, cũng như tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thứ hai, trong môi trường số, ngoài việc cơ quan quản lý ban hành chính sách để TCTD và doanh nghiệp đẩy mạnh số hóa hoạt động kinh doanh, còn thúc đẩy doanh nghiệp, TCTD phải đổi mới để tồn tại, phát triển, và tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường số và xu hướng phát triển của thời đại công nghiệp 4.0.
Bên cạnh các NHTM, TP.HCM là một trong những địa phương tập trung khá nhiều công ty Fintech. Ông đánh giá thế nào về đóng góp của các fintech trong việc hỗ trợ chuyển đổi số đối với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung?
Có thể nói sự phát triển của các công ty công nghệ, các Fintech hiện nay là yếu tố rất quan trọng, không chỉ thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế đất nước mà còn trực tiếp hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn, theo đúng định hướng của Chính phủ, UBND TP.HCM.
Theo đó thông qua việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ về mặt hạ tầng kỹ thuật, cũng như phần mềm ứng dụng và yêu cầu về đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp, các Fintech sẽ tư vấn, cung cấp sản phẩm dịch vụ và hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện số hóa từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ hoạt động kinh doanh, tài chính kế toán, kênh phân phối, sử dụng dịch vụ ngân hàng đến lĩnh vực quản trị điều hành, công tác quản lý… điều này cùng với việc chủ động về tài chính tốt và tạo điều kiện về mặt chính sách, môi trường đầu tư… sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Đầu tư chuyển đổi số là đầu tư dài hạn và tốn kém. Hệ thống ngân hàng có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong quá trình chuyển đổi số, thưa ông?
Ngoài cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động tín dụng của các NHTM hiện nay còn gắn liền với các chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có ứng dụng và đổi mới công nghệ. Không phải bây giờ mà nhiều năm qua, ngân hàng luôn có chính sách ưu tiên vốn đầu tư cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực đổi mới sáng tạo…
Với xu hướng cả nền kinh tế thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay tôi tin rằng các TCTD sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa cho khách hàng trong hành trình chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông!
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk: Chuyển đổi số tăng khả năng cạnh tranh Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển của nhiều doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển, tạo ra giá trị mới để tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới. Đối với Agribank chi nhánh Đăk Lăk nói riêng và Agribank nói chung, chuyển đổi số chính là cơ hội để đẩy mạnh phát triển, bắt kịp xu hướng thời đại. Coi chuyển đổi mô hình ngân hàng số là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững, lâu dài trong xu thế hiện nay, lãnh đạo Agribank đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án chiến lược về công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2016-2020, ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ để tăng cường hệ thống máy chủ và cơ sở hạ tầng CNTT, nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống CNTT luôn hoạt động ổn định, an toàn; phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới... Với định hướng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng CNTT, đến nay Agribank đã phát triển và cung ứng hơn 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích, tập trung mạnh vào dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ứng dụng giải pháp công nghệ 4.0; thực hiện chuyển đổi số thông qua việc liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số, nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao tiện ích cho khách hàng. Có thể nói, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, Agribank chi nhánh Đăk Lăk và toàn hệ thống Agribank nói chung đang nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh, mang lại sự hài lòng cho khách hàng, giúp khách hàng thuận lợi hơn, tiết kiệm được thời gian công sức khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng... Ông Huỳnh Ngọc Thương, Giám đốc Viettel Đà Nẵng: Tích cực hợp tác cùng địa phương trong chuyển đổi số Từ cuối năm 2021, Tập đoàn Viettel đã khai trương dịch vụ mạng 5G và triển khai 11 trạm phát sóng 5G tại khu vực trung tâm TP. Đà Nẵng. Đồng thời, đơn vị đang triển khai thêm 41 trạm tại khu vực quận Liên Chiểu, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Cùng với đó, Viettel đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật (IoT), với 208 trạm Nb-IoT/7 quận, huyện thuộc TP. Đà Nẵng. Đây là mạng diện rộng, công suất thấp với ưu điểm vùng phủ rộng, tiết kiệm pin, chi phí kết nối thiết bị thấp và cho phép một lượng lớn các thiết bị có thể kết nối tới mạng, tạo điều kiện để người dân sử dụng thiết bị trực tuyến nhanh hơn. Hiện Viettel đang nghiên cứu xây dựng trung tâm xử lý dữ liệu quốc gia tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, diện tích khoảng 3ha, dự kiến sẽ triển khai dự án trong giai đoạn 2023 - 2025. Đặc biệt, Viettel là đơn vị trực tiếp tham gia tư vấn, triển khai một số dự án lớn của thành phố, sở, ban, ngành liên quan đến chuyển đổi số như: du lịch thông minh, y tế thông minh, chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt... tham gia tư vấn tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, xã… Mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Viettel và UBND TP. Đà Nẵng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu và triển khai đầu tư các dự án thúc đẩy chuyển đổi số tại Đà Nẵng (giai đoạn 2022 - 2030). Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng và Tập đoàn Viettel sẽ thực hiện nghiên cứu và triển khai các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông giai đoạn 2022 - 2025 gồm: xây dựng trung tâm chia chọn tự động tại Khu công nghiệp Liên Chiểu với diện tích 8,6 ha; xây dựng tòa nhà Viettel Đà Nẵng. Đối với việc triển khai phủ sóng 5G toàn TP. Đà Nẵng trong năm 2023, giai đoạn đầu sẽ tập trung phát sóng tại một số điểm trọng tâm như các khu công nghiệp và Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; đầu tư trạm cập bờ cáp quang biển Đà Nẵng. Tập đoàn Viettel cũng đầu tư tổ hợp trung dữ liệu công nghệ cao bao gồm: trung tâm dữ liệu viễn thông và công nghệ thông tin (Data Center), trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, trung tâm đào tạo công nghệ cao và trung tâm dữ liệu vùng phục vụ điều hành mạng lưới viễn thông, hạ tầng chính phủ điện tử và nền tảng công nghệ 4.0. |