Hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ số hóa
Số hóa ngân hàng góp phần thay đổi doanh nghiệp |
Theo đánh giá của ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN, chuyển đổi số ngành Ngân hàng thời gian qua đã đạt được một số kết quả bước đầu đầy tích cực. Cụ thể, nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; khoảng 68% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng. Cho đến nay đã có khoảng 5,6 triệu tài khoản và 8,9 thẻ ngân hàng được mở bằng eKYC đang hoạt động... Tăng trưởng bình quân giao dịch thanh toán qua kênh di động đạt 90%/năm trong nhiều năm gần đây. Nhiều TCTD đã tạo lập hệ sinh thái số các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, biến chiếc điện thoại với ứng dụng Mobile-banking trở thành “ngân hàng trong tay” phục vụ tốt nhu cầu cuộc sống của người dân.
Ảnh minh họa |
Không chỉ đem lại những tiện ích phục vụ cho xã hội, chuyển đổi số cũng đang là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho các ngân hàng. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của OCB, ngân hàng này cho biết, nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, mảng dịch vụ của ngân hàng này có lãi thuần đạt 626 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, thu nhập mảng kinh doanh thẻ tăng 167% với số lượng thẻ phát hành tăng trưởng 110%, doanh số giao dịch qua thẻ cũng tăng trưởng 58% so với cùng kỳ.
Không chỉ OCB, trong bức tranh kinh doanh quý III của hàng loạt nhà băng cũng đã ghi nhận điểm sáng tích cực từ nguồn thu dịch vụ. Như tại VPBank, luỹ kế 9 tháng đầu năm, thu nhập từ phí của ngân hàng này tăng tới 59,2%. Trong đó, thu nhập từ hoạt động thanh toán và ngân quỹ tăng 79% so với cùng kỳ nhờ ngân hàng tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tài trợ thanh toán và giao dịch qua POS ở tệp khách hàng là hộ kinh doanh, tạp hóa, minimart…
Cũng nhờ số hoá hoạt động, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) của một số ngân hàng cũng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thời gian gần đây. Điển hình như CIR tại VIB trong 9 tháng đầu năm đã giảm xuống còn 35%; Sacombank giảm từ 56,8% xuống còn 45,4%... tỷ lệ này ở VPBank là 22,3%.
Đại diện NCB cho biết, chuyển đổi số đang là một xu thế tất yếu trong ngành tài chính - ngân hàng. Thời gian qua, NCB liên tục đầu tư nền tảng hạ tầng công nghệ mới cho chuyển đổi số, nâng cấp các ứng dụng trên nền tảng số đa kênh hợp nhất và liên tục cải tiến các tính năng trên Mobile Banking để mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng giao dịch trực tuyến. Nhờ đó, lượng giao dịch trực tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh, chiếm tới trên 80% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng. Thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng đặc biệt là dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao trong vài năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV nhìn nhận, hiện khách hàng đã dần quen với việc sử dụng các kênh số để giao dịch tài chính, theo đó là nhu cầu trải nghiệm số nhanh hơn, vượt trội hơn. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, việc áp dụng tôn chỉ “lấy khách hàng làm trung tâm” là cần thiết.
Chính vì vậy, các sản phẩm và dịch vụ số của BIDV được thiết kế dựa vào việc thấu hiểu hành vi và thói quen của khách hàng thực hiện trên không gian mạng chứ không đơn thuần đưa các quy trình vật lý lên không gian số. Nhờ đó, cùng với hệ sinh thái đa dạng, BIDV đã tạo được sự tăng trưởng và đột phá trong cung cấp dịch vụ “hơn cả ngân hàng” dành cho khách hàng, bắt kịp xu hướng và chiếm lĩnh những thị trường mới, thói quen hành vi mới...
Mặc dù đã thu được nhiều “trái ngọt” nhưng theo nhận định của các chuyên gia, chuyển đổi số của các ngân hàng cũng gặp không ít thách thức, nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty Fintech. Trước thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, ngân hàng có thể tận dụng các công nghệ hỗ trợ của Fintech nhằm ứng dụng các công nghệ mới vào dịch vụ tài chính; phát triển đa dạng các sản phẩm - dịch vụ. Qua đó, vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp hơn.
Mặt khác, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tuy thời gian qua NHNN đã chủ động nghiên cứu và ban hành nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chuyển đổi số, nhưng công nghệ ngành tài chính - ngân hàng đang thay đổi mỗi ngày. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 trong kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng thì các nhà băng rất cần sự “trợ lực” từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý.
Đơn cử, cần sớm quy định về định danh điện tử; đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân như thuế, bảo hiểm, telco (viễn thông), đăng ký giao dịch, công chứng, chứng khoán... tiến tới định hạng tín nhiệm công dân quốc gia. NHNN cũng cần hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech... Bên cạnh đó, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn gắn với hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; thực hiện giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng hướng tới hoạt động an toàn, hiệu quả, vận hành thông suốt.
Đại diện BIDV cũng kiến nghị Bộ Công an cho phép tích hợp VNeid với các ứng dụng của ngân hàng (qua API, SDK) để sử dụng tính năng xác thực, khai thác thông tin trực tuyến trên kênh số khi có sự chấp thuận của người dân. Về phía NHNN cũng có các Thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử như cho vay, xác thực giao dịch... bằng ứng dụng căn cước công dân gắn chip, VNeid.