Suối Giàng - điểm đến du lịch văn hóa bền vững
Văn Chấn phát huy nội lực Nghịch cảnh điểm du lịch lớn vẫn chẳng có gì để chơi |
Với lợi thế về địa lý khi ở độ cao trên 1000 m nên nền khí hậu ở đây vô cùng mát mẻ, quanh năm với nhiệt độ thường thấp hơn so với đồng bằng 8-9 độ C, du khách có thể cảm nhận như có 4 mùa trong một ngày. Ban đêm, trời se lạnh. Sáng ra, mây mờ che phủ bồng bềnh khắp các bản làng, sườn núi. Buổi trưa, trời trong xanh, lộng gió. Và buổi chiều, nắng vàng trải mượt như rót mật. Bởi thế, khí hậu ở đây có thể sánh với Sa Pa hay Đà Lạt.
Suối Giàng ở độ cao trên 1000 m nên nền khí hậu mát mẻ quanh năm |
Suối Giàng có diện tích tự nhiên hơn 5.920 ha, nơi có 4 dân tộc người Mông, Kinh, Tày và Dao sinh sống, trong đó trên 98% là người dân tộc Mông. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền độc đáo. Đây chính là sự khách biệt tạo nên cho Suối Giàng những tiềm năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa.
Với khoảng cách địa lý 12 km từ trung tâm huyện Văn Chấn, cung đường đã được trải nhựa từ chân núi lên tới trung tâm xã nên rất phù hợp dành cho những chuyến đi trải nghiệm thú vị của du khách yêu khám phá những điểm đến mới đặc biệt là giới trẻ và những du khách ở độ tuổi trung niên. Chính những điều này đã thu hút nhiều các đơn vị hoạt động về du lịch, lưu trú, nhà hàng, homestay chọn là điểm đến và nơi đầu tư kinh doanh.
Gần đây, du lịch Suối Giàng đã được biết đến rộng rãi hơn nhờ sự quan tâm phát triển của chính quyền địa phương, đồng thời là sự ghi nhận của thế giới về những nét văn hóa đặc trưng, những sản phẩm văn hóa phi vật thể của nhân loại như Nghệ thuật múa xòe truyền thống của người Thái, Nghệ thuật múa khèn của người Mông… và gần đây là nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh vừa được công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du khách tham gia trải nghiệm vẽ sáp ong |
Người đồng bào Mông nơi đây vẫn còn lưu giữ được những sản phẩm truyền thống đặc trưng như các hoạt động văn hóa lễ hội đầu năm và cuối năm như ném Pao, đẩy gậy, đánh quay, giã bánh dày, hay món ăn mèn mén… và đặc biệt là nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh đang được quan tâm gìn giữ và phát triển. Những hoa văn họa tiết của những tác phẩm được làm ra từ bàn tay những thiếu nữ trẻ và những người phụ nữ Mông tại Suối Giàng thường được dùng để làm các họa tiết trên những bộ trang phục của họ và mỗi loại hoa văn họa tiết đều có những câu chuyện và ý nghĩa riêng và thường gắn liền với đời sống thường nhật, hay các sự vật hiện tượng xung quanh…
Du khách khi đến Suối Giàng được tham gia trải nghiệm vào các hoạt động hàng ngày của người dân bản địa như nấu ăn, làm nương làm vườn, hái chè, sao chè .v.v… cũng như được tham dự các khóa học và chương trình trải nghiệm vẽ sáp ong, nấu món ăn truyền thống như mèn mén, dệt vải thổ cẩm, thêu tay, làm rèn kim loại…
Tuy nhiên, sức ép cạnh trạnh lớn của các điểm du lịch tương đồng và nền kinh tế thị trường đang ngày càng lấn lướt những giá trị văn hóa truyền thống tạo ra những thách thức lớn cho địa phương cũng như người dân và những đơn vị làm du lịch tại nơi đây. Việc sử dụng những kiến trúc nhà gỗ chôn cột của người Mông, những nếp mái gỗ pơ mu hay mái cọ cũng đang dần bị mai một để thay vào đó là những căn nhà xây tường gạch hiện đại làm giảm đi sức hút của du khách khi mong muốn đến để được trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng truyền thống.
Để bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng của Suối Giàng, đã có những Hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh về du lịch chung tay cùng với địa phương và bà con đồng bào Mông tổ chức các hoạt động kết hợp du lịch và trải nghiệm văn hóa bản địa như vẽ sáp ong, làm trà Shan tuyết, hay tổ chức các hoạt động điền dã, treeking trải nghiệm xung quanh làng bản, tham gia vào các hoạt động thường nhật của người dân để có thể hiểu thêm những nét văn hóa đặc trưng nơi đây.
Lễ hội tôn vinh cây chè tổ tại Suối Giàng |
Về lâu dài, để công tác bảo tồn và gìn giữ văn hóa đặc trưng mang tính bền vững, mỗi người dân Suối Giàng cần hiểu rõ sự quan trọng của những giá trị văn hóa vốn có của đồng bào mình. Đặc biệt để khai thác hiệu quả các gía trị văn hoá và phát triển du lịch, lớp trẻ cần được đào tạo và hướng dẫn để hiểu thêm về những kiến thức và văn hóa dân tộc mình, cũng như được rèn dạy các kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ, những kỹ năng sống để có thể tự tin nói chuyện hay chia sẻ với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Suối Giàng. Các đơn vị làm du lịch cần được hướng dẫn để tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch tương tác như: Tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương Thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững và có trách nhiệm xã hội. Tiếp cận thị trường quốc tế; Xây dựng chiến lược tiếp thị kỹ thuật số và mạng xã hội để tiếp cận khách du lịch quốc tế, đặc biệt là giới trẻ. Hợp tác với các công ty du lịch quốc tế và các đại sứ quán để quảng bá trải nghiệm du lịch của vùng.
Bên cạnh những loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục..., thì du lịch văn hóa bền vững đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi đem lại giá trị lớn cho cộng đồng xã hội. Việc phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp văn hóa bản địa của dân tộc Mông tại Suối Giàng, sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương. Qua đó, việc thu hút giới trẻ và du khách quốc tế sẽ giúp nâng cao nhận thức văn hóa và tạo ra một sự kết nối sâu sắc giữa các cộng đồng và du khách trên khắp thế giới nhằm mục tiêu "Gắn kết bản địa - Nâng tầm bản sắc" địa phương ngày càng phát triển bền vững.