![]() |
Nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới |
![]() |
Tựa FTA để bứt phá |
![]() |
Cơ hội thu hút đầu tư từ FTA |
Thách thức hiện hữu
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 17 FTA. Trong số đó, đã ký kết 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện. Theo đó, nếu như các “FTA truyền thống” chỉ cam kết về dịch vụ, hàng hoá đơn thuần thì FTA thế hệ mới đã bao gồm cả những lĩnh vực “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư… và đòi hỏi mở rộng hơn đối với các dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Đơn cử như CPTPP xác lập khuôn khổ pháp lý cho việc đầu tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong một chương riêng biệt. Theo đó, các nội dung liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong CPTPP được chia thành 3 nhóm: Các cam kết về môi trường pháp lý đối với hoạt động và cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng; các cam kết về mở cửa thị trường đối với các dịch vụ tài chính được phép cung cấp; các cam kết về thanh toán, chuyển tiền, các biện pháp bảo vệ cán cân thanh toán và các cam kết khác có ảnh hưởng đến quá trình điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá…
TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các FTA thế hệ mới không chỉ chú trọng vào câu chuyện mở cửa thị trường với thương mại hàng hoá mà còn là về dịch vụ, các yếu tố về thể chế, những yếu tố ở đằng sau đường biên giới nhưng có tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp. Cơ hội đã rõ ràng, nhất là khi một số dịch vụ của Việt Nam đã phát triển mạnh và có thể cạnh tranh với thế giới như công nghệ thông tin, viễn thông, tài chính ngân hàng… Đây là cơ hội cho các ngành nghề này.
Tuy nhiên, đi cùng cơ hội luôn hiện hữu thách thức, mà cụ thể là về an ninh tài chính quốc gia, đòi hỏi Việt Nam phải nhìn nhận rõ để có những ứng xử phù hợp. PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế phân tích, các FTA có thể tác động đến an ninh tài chính quốc gia trên hai góc độ, đó là an ninh tài chính công và an ninh tài chính doanh nghiệp. Chẳng hạn việc cắt giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN); trong khi dịch vụ đầu tư, vay nợ của các doanh nghiệp cũng sẽ có tác động đến an toàn tài chính quốc gia.
Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc biến động về tỷ giá, lãi suất trên thị trường quốc tế cũng sẽ có ảnh hưởng tới thị trường tài chính trong nước, thông qua các FTA.
Đơn cử như với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), theo đại diện VCCI, hiệp định này có thể tạo ra một số nguy cơ khác so với các hiệp định trước đây, bởi lẽ việc mở cửa trong RCEP gắn với nguy cơ tăng nhập siêu và một số vấn đề khác gắn với chuyện điều hành vĩ mô từ góc độ chính sách tiền tệ, ngân hàng.
Cần làm tốt cơ chế giám sát thị trường
Đảm bảo ổn định tài chính, tránh rủi ro từ các tác động ngoại cảnh bên ngoài và bối cảnh nền kinh tế trong nước, các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục làm tốt việc ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; đảm bảo hoạt động thông suốt hiệu quả của thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi lũng đoạn thị trường. Đặc biệt, cần có các công cụ quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn nữa, cải thiện chính sách tài khóa, cơ cấu lại nguồn thu cho NSNN. Có cơ chế giám sát hệ thống tài chính quốc gia hiệu quả để đảm bảo hoạt động lành mạnh của thị trường tài chính Việt Nam.
Song song với đó, cũng tận dụng các ưu đãi về FTA một cách triệt để trên nguyên tắc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu để tăng thu ngoại tệ, cải thiện cán cân vãng lai nói riêng, cán cân thanh toán quốc tế nói chung.
ThS. Thân Thị Vi Linh - Học viện Ngân hàng cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô nói chung, thị trường tài chính quốc tế nói riêng cũng như việc điều hành lãi suất của NHTW các nền kinh tế phát triển đều có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng cao, đạt mức trên 109,9 tỷ USD, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế. Do đó, Việt Nam sẵn sàng đủ năng lực ngoại tệ, chủ động can thiệp đảm bảo tỷ giá theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và chống đôla hóa.
Do thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bao gồm chính sách lãi suất âm của một số NHTW trên thế giới trong giai đoạn 2020 - 2021 và tăng lãi suất từ đầu năm 2022, xếp hạng tín nhiệm một số quốc gia và đối tác giảm, thay đổi về chính sách thương mại, đầu tư của các nước lớn… Điều đó đòi hỏi NHNN Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, nhưng cũng hết sức linh hoạt.
Đặc biệt theo các chuyên gia, quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của NHTW các nước nói chung và của NHNN Việt Nam nói riêng bởi dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Do đó, NHNN Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường quốc tế, điều hành lãi suất của NHTW các nền kinh tế lớn, diễn biến tỷ giá của các đồng tiền chủ đạo để chủ động đối phó nhằm đảm bảo các hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam ổn định, phát triển bền vững.
Quỳnh Trang
Nguồn: