Cơ hội thu hút đầu tư từ FTA
Chuyển đổi số để tận dụng các FTA thế hệ mới | |
Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU | |
Tháo rào cản để tận dụng EVFTA |
Gia tăng đầu tư từ FTA
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 19,74 tỷ USD, mặc dù giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2020, song vẫn là con số tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm mạnh vì Covid-19.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước có FTA với Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư…
Các FTA thế hệ mới là một hấp lực thu hút FDI |
Điều này cho thấy các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua, nhất là các FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đang tác động tích cực trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Lý giải điều này, bà Trang nhận định, các FTA thế hệ mới không chỉ có cam kết mở cửa thị trường về thương mại hàng hoá, dịch vụ mà còn có các cam kết về thể chế, quy tắc… từ đó sẽ giúp môi trường kinh doanh minh bạch, dễ dự đoán, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
Đặc biệt, Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, ngoài những cam kết về kết nối thương mại hàng hoá, dịch vụ, hiệp định này còn có cam kết mới về xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trong nội khối. Chính điều này sẽ tạo cú hích tốt để thúc đẩy đầu tư, gia tăng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong khối.
“Có thể thấy, các FTA hỗ trợ rất tốt cho việc thu hút đầu tư của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. Trước xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư trên thế giới, Việt Nam với lợi thế là đầu mối kết nối với hơn 50 đối tác trên thế giới về hàng hoá, môi trường kinh doanh được đảm bảo bởi các FTA có tiêu chuẩn cao đã giúp nước ta trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới đây, các FTA đặc biệt là ưu đãi thuế quan hấp dẫn sẽ là một điểm cộng giúp Việt Nam thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn nữa”, bà Trang nhấn mạnh.
Để phát huy tốt sức mạnh từ FTA
Tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng Ths. Vũ Khánh Thịnh - Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực vẫn vô cùng gay gắt, nhất là khi các nước cũng đang tích cực tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Đơn cử như Hàn Quốc - quốc gia đang đứng thứ hai về tổng số vốn đầu tư ở Việt Nam, mới đây đã chính thức ký kết FTA song phương với Campuchia và Philippines, nhằm tăng cường trao đổi thương mại tại thị trường Đông Nam Á, hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Điều này được đánh giá sẽ có tác động đến dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thực tế, tiền lương trung bình của lao động Việt Nam và Campuchia chênh lệch nhau khoảng 100 USD. Việc đầu tư vào Campuchia nhà đầu tư sẽ tận dụng lợi thế lao động rẻ cao hơn so với nước ta. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… với yêu cầu ngày càng cao trong tăng cường cải thiện điều kiện lao động về tiền lương, điều kiện sinh hoạt dẫn đến chi phí đầu tư cho lao động sẽ tăng lên không nhỏ, làm giảm tính hấp dẫn của nguồn lao động.
Chính vì vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị Việt Nam cần có giải pháp bảo đảm ổn định nguồn lao động cao nhất cùng với việc đảm bảo ổn định các điều kiện khác để tăng sức hút và hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí cơ sở hạ tầng, chi phí logistics, năng lượng.
Việt Nam cũng cần đa dạng hoá thu hút nguồn đầu tư, nhất là đối với các thị trường tiềm năng mà Việt Nam đang có FTA như châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Dòng vốn đầu tư trên thế giới còn rất dồi dào, nhiều tập đoàn toàn cầu chưa đầu tư lớn vào nước ta. Vì vậy cần có phương pháp tiếp cận hiệu quả, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư trực tuyến. GDP của Việt Nam trong đại dịch Covid-19 vẫn tăng trưởng dương, quy mô tương đương với Philippines, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt con số kỷ lục; việc cải thiện môi trường kinh doanh đang ngày càng được coi trọng sẽ là những điểm sáng để nhà đầu tư tìm đến nước ta trong thời gian tới.
Còn theo ông Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam có thể nhìn thấy kinh nghiệm từ chính sách thu hút đầu tư của một số nước như Trung Quốc: Đảm bảo kiểm soát tốt dịch Covid-19; giảm bớt các rào cản đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực tài chính; chủ động tham gia, thậm chí thúc đẩy các FTA và sáng kiến hợp tác mới… Hàn Quốc thì đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến đầu tư.
Theo đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt nền tảng để đón đầu cơ hội từ các FTA thông qua việc cải cách toàn diện khu vực công; tiếp nhận và giải quyết các mối quan tâm của nhà đầu tư; thực thi các cam kết đã đạt được trong các hiệp định thương mại tự do; thực hiện đánh giá thường xuyên hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; cung cấp thông tin cập nhật, dễ dàng tiếp cận về luật, quy định và cơ hội cho các nhà đầu tư…