Tận dụng lợi thế xuất khẩu thời trang sang Nam Mỹ
Ông Lê Hoàng Tài - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước Nam Mỹ. Tuy nhiên, cũng mới chỉ dừng ở một số cái tên quen thuộc như: Argentina, Chile, Brazil, Peru... Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là nông sản, hàng thời trang, da giày… Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để triển khai thực hiện các Hiệp định CPTPP, FTA Việt Nam - Chile. Kể từ khi có hiệu lực, các hiệp định này đóng vai trò quan trọng giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Nam Mỹ có nhiều khởi sắc.
Ảnh minh họa |
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất nhập khẩu cũng như định hình lại chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp cả phía Việt Nam và các nước Nam Mỹ rất cao. Việt Nam đã thành lập cơ chế đối thoại với nhiều nước trong khu vực Nam Mỹ, hợp tác theo hướng ưu tiên phát triển bền vững. Ngành dệt may đang áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững như xử lý, tái xử dụng nước thải, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước, đảm bảo điều kiện làm việc…
“Với lợi thế về nguồn lao động và cơ cấu dân số vàng, chi phí nhân công tương đối rẻ so với một số nước trong khu vực, cùng chính sách ổn định, thông thoáng, Việt Nam cần tận dụng những điều này để đẩy mạnh xuất khẩu thời trang sang thị trường Nam Mỹ”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Nam Mỹ là thị trường rất tiềm năng, đặc biệt với ngành hàng thời trang, tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam sang các nước khu vực này hiện nay còn khá nhỏ. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Brazil từ 150-200 triệu USD/năm, xuất khẩu sang Chile từ 70-90 triệu USD/năm, sang Argentina từ 30-40 triệu USD/năm.
“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể trong những năm qua, nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Mỹ hiện chưa tương xứng với triển vọng, đặc biệt, đối với những lĩnh vực ngành hàng thời trang. Nhu cầu hàng tiêu dùng, thời trang tại các nước Nam Mỹ đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng Nam Mỹ biết đến các sản phẩm thời trang của Việt Nam. Trong khi đó, ngành sản xuất da giày thời trang của Việt Nam đang phát triển mạnh, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn, mức độ yêu cầu cao của nhiều phân khúc trên thế giới, nhưng mức độ cung ứng cho thị trường Nam Mỹ chiếm số lượng và kim ngạch hiện còn rất hạn chế”, ông Lê Hoàng Tài chia sẻ.
Lý giải vấn đề trên, ông Lê Hoàng Tài cho rằng, có một số nguyên nhân cơ bản như vị trí đại lý tương đối xa, văn hóa khác biệt. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam và Nam Mỹ còn thiếu nhiều thông tin về năng lực và nhu cầu của nhau. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến sang khu vực Nam Mỹ cũng còn yếu và thiếu. Một số nền kinh tế của Nam Mỹ có độ mở chưa cao.
Ông Sergio Arevalo - đại diện Công ty Villalobos Modas (Brazil) cho biết, hiện nhu cầu nguồn cung dệt may và sợi tại Brazil tăng cao. “Doanh nghiệp của tôi hiện rất quan tâm đến thời trang phụ kiện của Việt Nam. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Nam Mỹ cần có những hoạt động xúc tiến thương mại tìm hiểu lẫn nhau để tìm cơ hội hợp tác”, ông Sergio Arevalo nói.
Ông Trương Văn Cẩm cũng kiến nghị Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), các thương vụ tại các nước Nam Mỹ đứng ra làm cầu nối để kết nối doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận trực tiếp với khách hàng Nam Mỹ, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang thị trường Nam Mỹ... đây là chuỗi những hoạt động cần thiết, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển cho ngành xuất khẩu dệt may thời trang Việt sang Nam Mỹ.