Tăng cơ hội cho doanh nghiệp năng lượng xanh tiếp cận nguồn vốn xanh
Khơi thông dòng vốn xanh từ các ngân hàng | |
Cơ hội nhiều, nhưng thách thức không ít | |
Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp | |
Để tín dụng xanh "xanh" mãi |
Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo |
Thông tin tại hội thảo cho biết, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu xuất bản năm 2020 của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tính đến cuối năm 2019, tổng công suất năng lượng tái tạo trên thế giới vào khoảng 2,532 GW, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo chiếm 26% lượng tiêu thụ, với tốc độ trung bình tăng 2,5%/năm trong 10 năm vừa qua.
Tại Việt Nam, xu hướng này được thể hiện rõ nét khi công suất và sản lượng điện bằng năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết tính tới hết tháng 10/2020, trên hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 106 nhà máy điện mặt trời, 11 nhà máy điện gió, riêng với điện mặt trời áp mái đã có trên 83 nghìn hệ thống được lắp đặt với tổng công suất koảng 4,672 MWp; tổng công suất điện tái tạo đạt khoảng 11,2% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống, tổng sản lượng điện đạt 4,4%.
"Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng có xem xét nhiều phương án phát triển nguồn điện, trong đó sẽ ưu tiên mạnh cho việc phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo những sẽ được phân kỳ phù hợp để đảm bảo giá điện được hợp lý", ông Đỗ Đức Quân chia sẻ.
Toàn cảnh hội thảo |
Theo các chuyên gia, để thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, nguồn vốn là một trong các yếu tố đầu vào then chốt. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách tín dụng hữu hiệu.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xạnh quốc gia, NHNN đã ban hành các văn bản quy định về ngân hàng xanh, tín dụng xanh với mục tiêu hoạt động tín dụng chú trọng đến bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống ngân hàng trong phát triển bền vững; phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.
Theo đó, NHNN đã triển khai một số nội dung như rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản suất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội; yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Nhờ đó, "Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực tài chính ngân hàng hướng đến phát triển bền vũng và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN. Việt Nam được xếp hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs", bà Phạm Thị Thanh Tùng chia sẻ.
Những đánh giá này được nhìn nhận từ hoạt động tín dụng xanh mà Việt Nam triển khai trong thời gian qua. Hiện có 31 tổ chức tín dụng có phát sinh dư nợ đối với các dự án xanh với dư nợ trên 285.000 tỷ đông, tăng hơn 8% so với 2017, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, có 31 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường xã hội là trên 1.184.000 tỷ đồng, với trên 491.000 khoản cấp tín dụng được đánh gia rủi ro môi trường xã hội.
Là một đơn vị cung cấp dịch vụ tín dụng xanh, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã triển khai nhiều giải pháp theo chỉ đạo của NHNN. Bà Nguyễn Thùy Dương, đại diện Trung tâm Giải pháp tài chính VietinBank cho biết, VietinBank đã chú trọng phục vụ đồng bộ chuỗi giá trị ngành năng lượng từ năng lượng sơ cấp, sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phục vụ ngành năng lượng; đồng thời chủ động định hướng ưu tiên các dự án phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Về kết quả thực hiện chương trình tín dụng xanh, tính tới quý III/2020, dư nợ tín dụng xanh tại VietinBank là 22.700 tỷ đồng cho gần 278 dự án, trong đó tỷ trọng tập trung chủ yếu là dư nợ thuộc ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (chiếm 71% dư nợ tín dụng xanh), quản lý nước bền vững (14%) và tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên (13%).
Ngân hàng đã và đang tài trợ 400 dự án năng lượng tái tạo, nhiều dự án có quy mô và công suất lớn hơn 100 MW, gồm các nguồn năng lượng tái tạo đa dạng như: 69% cho thủy điện, 18% cho điện mặt trời, 10% cho điện gió và 3% cho điện sinh khối.
Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh cho vay các dự án năng lượng xanh. Cụ thể, đầu tư vào lĩnh vực xanh thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường nên việc thẩm định dự án phức tạp, trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn theo chi phí vốn thương mại trên thị trường; các chỉ tiêu cụ thể để phân loại ngành/lĩnh vực chưa cụ thể; năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu... Đặc biệt, EVN có quyền từ chối mua trong hợp dồng mua bán điện, dẫn tới khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án trong quá trình thẩm định tín dụng...
Bên cạnh đó, tài chính của các doanh nghiệp khi đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng còn hạn chế. Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Halcom Việt Nam cho rằng, ngành năng lượng tái tạo còn mới mẻ ở Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều mới bắt đầu được 5-6 năm. Do vậy, tài chính, nguồn vốn chủ không thể so sánh với các ngành khác đã hoạt động lâu năm. Chi phí đầu tư vào thiết bị, cơ sở hạ tầng lớn, việc thiếu kinh nghiệm cũng làm nguồn đầu tư gia tăng trong dài hạn.
Vì vậy, ông Nguyễn Quang Huân đề xuất NHNN chỉ đạo các ngân hàng cho phép chủ đầu tư được giảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu 20-25%, hoàn thiện hướng dẫn và xây dựng cơ chế cho tín dụng xanh. Đồng thời, có các chương trình hỗ trợ hoặc kết nối với các định chế tài chính nước ngoài để tái cấp vốn, phát hành trái phiếu xanh ưu đãi cho các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia chương trình tín dụng xanh.
Tuy nhiên, nhân rộng các dự án năng lượng xanh thì chủ thể chính vẫn là doanh nghiệp. Vì vậy, "doanh nghiệp không nên chỉ trông chờ vào ngân hàng, ngoài vốn tự có, nhà đầu tư nên chọn hướng bắt tay với các đối tác nước ngoài, sau đó huy động từ nguồn vốn các cổ đông, tìm tới các quỹ đầu tư. Trước đó, bản thân các doanh nghiệp cần có dự án khả thi, hiệu quả đầu tư cao...", ông Nguyễn Quang Huân nói.