Tăng cường hỗ trợ để sản xuất công nghiệp vượt khó trong đại dịch
Dịch Covid-19 giáng đòn mạnh vào sản xuất công nghiệp | |
Nhiều biện pháp để tăng trưởng sản xuất công nghiệp | |
Sản xuất công nghiệp tăng bất chấp diễn biến phức tạp của Covid-19 |
Tăng cường hỗ trợ để sản xuất công nghiệp vượt khó khăn trong dịch |
“Chật vật” duy trì sản xuất, kinh doanh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong nước.
Nguy cơ này đang thực sự hiện hữu, báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.
Đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cho biết, dù có kịch bản ứng phó từ trước nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Mới đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phản ánh, nhiều địa phương không linh hoạt, cứng nhắc khi áp dụng, kể cả những doanh nghiệp chưa có công nhân bị nhiễm dịch (F0) vẫn bị 'đóng cửa'. Doanh nghiệp muốn sản xuất cũng bị đứt gãy do việc kiểm soát đi lại của doanh nghiệp hay việc chuyên chở hàng hóa giữa các nhà máy, khu công nghiệp.
Để đảm bảo sản xuất, ông Lưu Châu Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech thuộc Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 2 cho biết, công ty bố trí cho gần 1,2 nghìn lao động ở lại nhà máy. Chi phí để thực hiện “3 tại chỗ” khá tốn kém vì công ty phải tăng thêm lương để khuyến khích người lao động ở lại, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên, tài trợ thêm suất ăn... Trong thời điểm này, công ty không tính toán đến lợi nhuận mà chỉ tập trung phòng, chống dịch bệnh và duy trì được sản xuất.
Với những công ty từ vài trăm lao động trở lên muốn tổ chức cho người lao động ở lại lâu dài trong nhà máy rất khó thực hiện. Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên có những giải pháp mới hữu hiệu để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Lưu Châu Bằng nói.
Không may mắn như doanh nghiệp trên, nhiều nơi sản suất tại các khu công nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động vì không thể duy trì sản xuất. Nguyên nhân là do quá đông lao động, doanh nghiệp không thể thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”. Doanh nghiệp ngưng sản xuất đồng nghĩa với không có doanh thu, đơn hàng lỡ dở và đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng.
Trước tình hình này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận, mô hình “3 tại chỗ” khi triển khai ở địa bàn phía Nam có bất cập, gây khó khăn, đứt gãy chuỗi vận chuyển gây ảnh hưởng hiệu quả thực hiện. Chi phí thực hiện "3 tại chỗ" cũng quá cao, gây cản trở cho thực hiện, trong khi quy định của mỗi địa phương là khác nhau.
Khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ
Trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chịu tác động từ COVID-19.
Theo đó, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã ban hành chính sách giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp.
Riêng đối với doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp Giấy xác nhận ưu đãi công nghiệp hỗ trợ…
Để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện đã có trên 10 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, với mức giảm từ 0,5%-2% kể từ giữa tháng 7 đến nay. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19... Đặc biệt, các NHTM đã cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thêm trên 24 nghìn tỷ đồng từ việc giảm lãi suất từ nay đến cuối năm 2021.
Đáng chú ý, vắc-xin vẫn là giải pháp căn cơ và cần thiết phải tiến hành sớm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử... Hiện nhiều khu công nghiệp đã đẩy mạnh quá trình tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho công nhân. Như tại tỉnh Bình Dương các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã bắt đầu triển khai tiêm 150.000 liều vắc- xin cho công nhân bằng hình thức xã hội hóa.
Liên quan đến những bất cập trong mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất phương án phù hợp hơn, sửa đổi quy định liên quan đến sản xuất ở các trung tâm công nghiệp. Ví dụ như tổ chức mô hình hoạt động này ra sao, trường hợp có F0 thì xử lý thế nào, hoặc có thể không yêu cầu người lao động ở suốt trong nhà máy.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh quá nhiều khó khăn. Sự sâu sát từng bước trong triển khai chính sách vừa qua thể hiện sự lắng nghe, cầu thị và đổi mới của Chính phủ và cơ quan liên quan để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)