Tăng cường hợp tác đẩy lùi nạn dược phẩm giả
Thu giữ hơn 5.000 hộp sữa bột Omega 369 Q10 ALASKA không đạt chuẩn tại Đắk Nông | |
Bắt giữ tận gốc đường dây sản xuất hàng nhái thương hiệu The North Face (Mỹ) | |
Tràn lan sản phẩm nhái thương hiệu ngoại |
Dược phẩm đóng vai trò đặc biệt, có tính chất sống còn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người và là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về mức sống của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, tàng trữ và mua, bán dược phẩm giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng về cả quy mô lẫn mức độ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây ước tính, 1/3 các loại thuốc được bán trên toàn thế giới là bất hợp pháp. Quan trọng hơn, dược phẩm giả đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cần nâng cao nghiệp vụ để phát hiện được thuốc giả, nhái |
Trong vài thập kỷ qua, ngành công nghiệp dược phẩm và hệ thống các kênh phân phối đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, dẫn đến sự tăng nhanh về chủng loại cũng như số lượng dược phẩm lưu thông trên thị trường, và cùng với đó là nguy cơ về sự hiện diện của dược phẩm giả và các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đang lưu thông trên thị trường đối với cả sản phẩm nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước.
Và điều đáng buồn là khu vực Đông Nam Á hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của vấn nạn này. Tình hình tội phạm sản xuất, buôn bán dược phẩm giả đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tinh vi và ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Để thu được lợi nhuận, chúng không bỏ qua bất kỳ thủ đoạn nào, ông Jean-David Levitte, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả ( IRACM) nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với với tình trạng gia tăng tội phạm về nhập lậu, sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng. Cùng với đó, đang có xu hướng chuyển dịch từ thành thị về các vùng nông thôn - nơi người dân có thu nhập thấp, không có điều kiện tiếp cận với các loại dược phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng đã tạo nên môi trường vô cùng thuận lợi cho các hoạt động giao dịch trực tuyến mua bán dược phẩm giả, dược phẩm bất hợp pháp phát triển một cách mạnh mẽ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết.
Để giải quyết vấn đề này, lực lượng công an Việt Nam cũng đã có những nỗ lực tập trung vào giám sát chuỗi cung ứng và thu được những tín hiệu rất tích cực, qua đó có thể kiểm soát được nguồn gốc cũng như chất lượng các sản phẩm dược phẩm khi phân phối ra thị trường, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc các loại dược phẩm giả, bất hợp pháp trà trộn vào các nhà thuốc hoặc chuỗi cung ứng dược phẩm.
Dự báo thời gian tới, tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có dược phẩm giả, kém chất lượng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng phạm tội sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao, thiết bị phương tiện hiện đại để phục vụ hoạt động phạm pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Vấn nạn dược phẩm giả là vấn nạn toàn cầu, việc chống lại vấn nạn này là trách nhiệm của mỗi quốc gia và cần sự chung tay, nỗ lực của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cảnh sát giữa các nước cần tăng cường hợp tác trong chia sẻ thông tin; thực hiện các chiến dịch, chương trình đấu tranh với cácloại tội phạm xuyên quốc gia; vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật quốc gia và các cam kết quốc tế trên tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau để việc phối hợp trong điều tra, khám phá các chuyên án, các vụ án có hiệu quả hơn, cùng hướng tới mục tiêu các quốc gia chung tay đẩy lùi nạn sản xuất, mua bán dược phẩm giả, Tướng Hiển khẳng định.
Hàng năm, lực lượng Công an Việt Nam đã tổ chức phát hiện, xác lập nhiều chuyên án, vụ án để điều tra xử lý các đối tượng, đường dây sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng có quy mô lớn. Kết quả xử lý đã có tác dụng răn đe đối với các đối tượng vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cho thấy nỗ lực của lực lượng Công an trong việc thực thi pháp luật và các cam kết của Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc sản xuất, buôn bán thuốc giả là một tội ác thực sự. Đã đến lúc các quốc gia cần có chế tài đủ sức răn đe với loại tội phạm này. Với các quốc gia đã tham gia ký kết Công ước Palermocủa Liên Hợp quốc, cần đồng loạt áp dụng án phạt tối thiểu dành cho loại tội phạm này là 4 năm tù, ông Levitte nêu quan điểm.