Tăng cường phối hợp xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận hạn chế rủi ro cho khách hàng
Cần có quy chế phối hợp để xử lý gian lận
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA cho biết, tình trạng gian lận, lừa đảo, nhầm lẫn trong hoạt động thanh toán đang ngày càng gia tăng, diễn ra trên diện rộng và phức tạp. Số lượng giao dịch và người dân bị lừa đảo cần hỗ trợ giữa các ngân hàng ngày càng tăng. Do vậy, việc tìm ra quy trình thống nhất giữa TCTD giúp giảm thiểu tình trạng này, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng là rất cần thiết. Đặc biệt, đổi mới công nghệ phải đi đôi với củng cố niềm tin của khách hàng.
Toàn cảnh buổi làm việc |
“Sản phẩm dịch vụ phục vụ khách hành nhanh từng giây, từng phút như cách làm hiện tại liệu đã phù hợp nếu vẫn xuất hiện những bất cập trong quy trình xử lý dài dòng khi có sự cố diễn ra do những quy định chưa đồng bộ”, ông Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.
Đồng tình với việc cần xây dựng quy chế phối hợp để xử lý gian lận, lừa đảo hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội Thẻ, thuộc VNBA cho biết, hiện giao dịch gian lận, lừa đảo (qua dịch vụ thẻ, tài khoản...) diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đặc biệt trong 3 tháng vừa qua gia tăng rất nhanh, với số tiền rất lớn. Theo thống kê, các hình thức lừa đảo, gian lận qua trung gian thanh toán phần lớn là thanh toán trực tuyến qua các ví điện tử….
Để ngăn ngừa tình trạng trên, thời gian qua, Tiểu ban đã tổ chức họp giữa Thường trực Tiểu ban - Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - đơn vị trung gian giữa các ngân hàng - ngân hàng, nêu ra các tình huống, phối kết hợp đồng bộ giữa các ngân hàng để cùng tìm ra giải pháp chung, bảo vệ kịp thời quyền lợi của khách hàng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Quý đề nghị NAPAS xây dựng ngưỡng và hệ thống cảnh báo ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro; có các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật để nhận diện các tài khoản có tỷ lệ gian lận lừa đảo cao; bổ sung quy định phạt không tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc cung cấp các thông tin gồm IP, tên sub merchant, loại hình giao dịch... để công tác phòng ngừa, ngăn chặn nhanh và tốt hơn.
Trước đề nghị trên, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng Giám đốc NAPAS cho rằng, việc đồng thuận cần có cơ chế phối hợp trong xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là cần thiết, nhưng để việc phối hợp có hiệu quả cao cần cái nhìn tổng thể để phân tích 3 yếu tố gồm đầu nguồn là ngân hàng phát hành - dòng tiền đi qua ngân hàng - đích đến là những ngân hàng nhận. “Nếu nhìn luồng tiền giao dịch lừa đảo qua mạng như dòng suối chảy từ đỉnh núi xuống, nguồn là từ ngân hàng phát hành; dòng tiền từ trên núi xuống và đi qua nhiều chỗ là những ngân hàng trung gian từ ngân hàng này sang ngân hàng kia; chân núi là đầu ngân hàng nhận”, ông Nguyễn Hoàng Long ví von và cho rằng, từ cách nhìn này sẽ phải xây dựng quy trình và có biện pháp ngăn chặn phù hợp từ đầu nguồn tới xây đập ngăn chặn trên đường đi và phản ứng nhanh để có quy trình ngân hàng thông tin cho nhau và cuối cùng chặn những điểm nóng là đầu ngân hàng có nhiều giao dịch lừa đảo.
Ông Nguyễn Hoàng Long cũng chỉ rõ, nếu như trước đây đối tượng lừa đảo thường dùng tiền lừa đảo được mua những hàng hóa như kim cương, vàng, đồng hồ đắt tiền thì hiện nay, đối tượng lừa đảo thường dùng nguồn tiền lừa đảo được để mua thẻ cào nạp tiền bán cho người khác hoặc mua tiền ảo, tiến số ở nước ngoài khiến ngân hàng không thể truy vết. “Với các ngân hàng giao dịch qua NAPAS, NAPAS sẽ xây dựng quy chế, quy trình xử lý; còn đối với những giao dịch không qua NAPAS thì cần có đơn vị chịu trách nhiệm”, ông Nguyễn Hoàng Long lưu ý.
Tại buổi làm việc, đại diện các TCTD cho biết rất trăn trở và đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng xử lý các vụ việc gặp phải. Tuy nhiên do sự luân chuyển dòng tiền thực hiện nhanh nên nhiều khi không thể xác minh được nguồn gốc khi tiền đã được chuyển ra mua hàng hóa ở nước ngoài. Bản thân TCTD cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những ngân hàng đã rất tích cực trong việc phối hợp xử lý như tạm giữ giao dịch trước khi chấp nhận thanh toán khi ngân hàng đầu nguồn liên hệ hỗ trợ thì vẫn còn tình trạng khâu phối hợp giữa một số ngân hàng còn chậm do những quy định quy trình nội bộ khác nhau. Các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, áp dụng công nghệ rất nhanh, chúng thậm chí là tự động hóa việc chuyển tiền đi nên ngành Ngân hàng cũng cần khẩn trương tự động hóa việc xử lý thông tin gian lận, đầu tư lớn hơn về hệ thống của ngân hàng; xây dựng “danh sách đen” những tài khoản có giao dịch đáng ngờ để toàn ngành cảnh báo, cảnh giác sớm...
Về phía cơ quan quản lý, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cũng cho rằng, việc gia tăng tội phạm mạng đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Để đối phó với tình trạng này, ở góc độ cơ quan quản lý, chưa khi nào NHNN lại có nhiều văn bản chỉ đạo và nhiều hướng dẫn cụ thể, chi tiết, đầy đủ như trong 2 năm gần đây về phòng ngừa rủi ro của các hoạt động thanh toán.
Về giải pháp, đại diện Vụ Thanh toán cho rằng, việc đồng lòng của các TCTD đóng vai trò quan trọng. “Cần xem khách hàng là chung của toàn ngành Ngân hàng chứ không phải là khách hàng của riêng TCTD nào cả, từ đó, những nội dung thỏa thuận với khách hàng có ở ngân hàng A thì cũng phải có ở ngân hàng B”, đại diện Vụ Thanh toán NHNN nhấn mạnh.
Tăng cường phối hợp xử lý gian lận, lừa đảo hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng
Nhận định giai đoạn cuối năm tình trạng gian lận, lừa đảo trong thanh toán vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng gia tăng, do đó, đại diện các TCTD đã đưa ra nhiều giải pháp đề xuất, gợi mở về mặt tổng thể như xây dựng khung, quy trình phối hợp để xử lý trong trường hợp khách hàng bị mất tiền, lừa đảo, tiền bị chuyển lòng vòng qua đơn vị trung gian; đẩy mạnh công tác truyền thông chung trên toàn hệ thống ngân hàng về tình trạng này; xây dựng quy trình phối hợp trong mảng thanh toán nội bộ ngành Ngân hàng.... Trước mắt, để có thể nhanh chóng giảm thiểu rủi ro cho khách hàng có ý kiến đề xuất việc phải làm ngay là lập nhóm email, hotline và các TCTD cử các đầu mối phối hợp để phản ứng nhanh.
Đồng tình với ý kiến của các TCTD, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị, cần xây dựng diễn đàn chung, có sự phối hợp chặt chẽ, ngôn ngữ thống nhất trên toàn ngành Ngân hàng. Đồng thời thúc đẩy truyền thông đối với khách hàng để khách hàng có ý thức, quyết liệt trao đổi với các cơ quan công an để cơ quan công an có sự phối hợp giải quyết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh công tác phòng chống, xử lý là công việc thường xuyên, liên tục của các TCTD để có thể hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với khách hàng |
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, xử lý giao dịch lừa đảo, gian lận là vấn đề nóng. Các TCTD luôn mong muốn bảo vệ sản phẩm - dịch vụ và khách hàng của mình nhưng thật sự nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” nếu không có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, các TCTD và chính bản thân khách hàng.
Kẻ gian, tổ chức tội phạm quốc tế thường xuyên tìm mọi cách lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt tài khoản cũng như tài sản của khách hàng, bởi vậy công tác phòng chống, xử lý là công việc thường xuyên, liên tục của các TCTD để có thể hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với khách hàng. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra 6 vấn đề cần khẩn trương giải quyết trong thời gian tới.
Thứ nhất, sau buổi làm việc, đề nghị các ngân hàng cung cấp đường dây nóng để thông báo, triển khai tập trung các vấn đề liên quan đến giao dịch lừa đảo, gian lận. NAPAS là đơn vị tiếp nhận và xử lý thông tin. Để làm được điều này, đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các TCTD vì vậy Hiệp hội Ngân hàng sẽ lấy ý kiến các TCTD ngay chiều nay để gửi NAPAS.
Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc, thực trạng của các TCTD, cơ quan liên quan đưa ra tại buổi làm việc, VNBA sẽ tổng hợp báo cáo NHNN, Vụ Thanh toán, Cục Công nghệ Thông tin. Từ đó có thêm cơ sở để ban hành các Thông tư hướng dẫn.
Thứ ba, bên cạnh việc tự xây dựng và triển khai hệ thống quy định riêng, các ngân hàng cần xác định phối kết hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời quán triệt khách hàng của một ngân hàng cũng là của toàn hệ thống; khách hàng của một hội viên là của tất cả hội viên.
Thứ tư, các TCTD cần tổ chức thực hiện, nghiên cứu, hạn chế lỗ hổng trong sản phẩm dịch vụ của đơn vị; rà soát lại và tổ chức triển khai, đảm bảo lợi ích của cả khách hàng và chính TCTD.
Thứ năm, đề nghị các TCTD tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, tích cực tham gia ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định 630/QĐ-NHNN; cũng như đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực thanh toán… để làm sao khi ban hành đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, không có vướng mắc trong quá trình triển khai.
Thứ sáu, để thống nhất trong nội bộ hệ thống các TCTD, VNBA sẽ thành lập tổ soạn thảo, xây dựng quy trình, phối hợp xử lý nội bộ giữa các TCTD hội viên nhằm hỗ trợ và bảo vệ khách hàng khi bị kẻ gian lừa đảo để trục lợi…., phấn đấu cuối quý I/2024 có thể ban hành.