Ngành ngân hàng Hà Nội tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp
Động lực để tín dụng tăng tốc cuối năm Thực hành ESG sẽ nâng cao uy tín, thương hiệu của các ngân hàng Ngành Ngân hàng dành nhiều cơ chế, nguồn lực vốn thúc đẩy tăng trưởng xanh |
Kinh tế Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, dự kiến GRDP cả năm đạt khoảng 6,52%. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, thời gian qua, Hà Nội luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong 11 tháng năm 2024, TP. Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 27,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 276,7 nghìn tỷ đồng. Bám sát kế hoạch chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng trên địa bàn đã đồng hành với DN trong việc cung ứng vốn kịp thời cũng như tích cực giảm lãi suất. Đặc biệt là ngành ngân hàng tích cực vào cuộc hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 giúp DN sớm ổn định sản xuất. Với nhiều lợi thế, năm 2025 Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 6,5%.
Ngành ngân hàng trên địa bàn TP. Hà Nội đã đồng hành với DN trong việc cung ứng vốn kịp thời cũng như tích cực giảm lãi suất |
Từ đầu năm đến nay, NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội và các TCTD trên địa bàn tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và chương trình tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND Thành phố. Đặc biệt các TCTD đều đẩy mạnh hỗ trợ DN khắc phục hậu quả sau bão số 3. Đến nay hầu hết các TCTD đã áp dụng hình thức miễn giảm lãi vay từ 0,5-2%/năm cho khách hàng đang có khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với tổng dư nợ khoảng 19.745 tỷ đồng (đến 31/10/2024). Một số NHTM bố trí nguồn vốn cho vay mới đối với các tổ chức, cá nhân để phục hồi sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 5-7%/năm với tổng dư nợ khoảng 5.531 tỷ đồng (đến 31/10/2024).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN cũng như của thành phố, nhiều TCTD trên địa bàn đã tích cực vào cuộc đồng hành cùng DN. Bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, trong hoạt động tín dụng, SHB dành nguồn vốn ưu đãi lớn cho DN. SHB cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân như thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng từ 1-3%/năm, cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực (SME, FDI, XNK…), cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, cấp thêm hạn mức tín dụng. Bên cạnh đó, SHB tiếp tục cải cách, rút gọn các thủ tục hành chính, cung cấp các giải pháp tài chính, tài trợ tín dụng theo chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm nền tảng công nghệ số … giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận tiện, nhanh chóng. Mới đây SHB mở rộng quy mô gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,8%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động, phục vụ sản xuất kinh doanh dịp cuối năm.
Phó Tổng giám đốc Hapro, ông Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2024 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động, Hapro vẫn nỗ lực đẩy mạnh cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiên nay Hapro vẫn tiếp tục xây dựng thị trường xuất khẩu, tăng cường giới thiệu và chào bán các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam là gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, dược liệu, thủ công mỹ nghệ…. Trong đó việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các TCTD đã giúp DN vững tin hơn trong việc đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng. Vào các dịp DN cần đẩy mạnh sản xuất nguồn hàng để cung cấp ra thị trường cần vốn đều được các ngân hàng tạo điều kiện cho vay nhanh chóng. Điều đó đã giúp cho DN đạt được các mục tiêu kinh doanh trong năm 2024.
Theo NHNN chi nhánh Hà Nội, để tiếp tục đồng hành cùng người dân, DN, NHNN chi nhánh chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp. Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Quốc Huy khẳng định, từ đầu năm đến nay, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 31/12/2024 ước đạt 4.317.458 tỷ đồng, tăng 19,37% so với 31/12/2023. Dư nợ ngắn hạn tăng 25,65%, dư nợ trung và dài hạn tăng 14,89%; dư nợ VND tăng 20,53%, dư nợ ngoại tệ giảm 13,61% so với cuối năm 2023. Trong năm 2025, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN và sự phát triển của thành phố.
Dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội đến 31/12/2024 dự kiến như sau: dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 375.796 tỷ đồng, chiếm 8,93%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 794.661 tỷ đồng, chiếm 18,88%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 216.042 tỷ đồng, chiếm 5,13%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 97.296 tỷ đồng, chiếm 2,31%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 14.887 tỷ đồng, chiếm 0,35%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 553.231 tỷ đồng. |