Tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: ĐK |
Tham dự Hội nghị có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn/tổng công ty lớn, các ngân hàng trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, phát triển xanh, tăng trưởng bền vững, giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế đang là xu thế và hướng đi của nhiều nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, để ứng phó có hiệu quả với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong thời gian qua Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa hướng tới phát triển xanh, bền vững.
Cùng với cả nước, ngành Ngân hàng đã ban hành, xây dựng Đề án phát triển Ngân hàng xanh, bám sát chủ trương của Chính phủ và Kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với một loạt hoạt động có kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng Thông tư để tạo hành lang pháp lý liên qua đến vấn đề cấp tín dụng, quan tâm đến quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh cho nền kinh tế.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, tích cực trao đổi, làm việc với các định chế, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Nhóm công tác Ngân hàng, các Ngân hàng Quốc tế,…nhằm đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực của các tổ chức này cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: ĐK |
Đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của NHNN và các bộ, ban ngành liên quan quan dành cho kênh đối thoại chính sách của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong những năm qua, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định, với định hướng, lộ trình của NHNN và sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư, trong khi đó việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp, bà Michele Wee nói.
Để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, Việt Nam sẽ cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hằng năm, tương đương với khoảng 368 tỷ USD từ nay đến 2040, trong đó cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.
Với yêu cầu trên, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội cần phải nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, hoạt động đã được xác định trong thời gian tới, trong đó huy động nguồn lực tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN sẽ tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tín dụng xanh; ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng để đáp ứng các yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường (2020).
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững; đẩy mạnh đàm phán, tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế, các tỏ chức tín dụng trong nước tham gia hoạt động hợp tác quốc tế tài trợ vốn cho các dự án xanh.
Đồng thời, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đề xuất cần có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh;
Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển...) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.