Tăng tính minh bạch, an toàn cho hoạt động ngân hàng
Góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng An toàn hoạt động ngân hàng: Tăng cường rèn luyện đạo đức nghề nghiệp |
Một số quy định đáng chú ý được bổ sung tại Luật Các TCTD (sửa đổi) là về việc cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải thực hiện cung cấp thông tin, TCTD phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch. Trước đó, theo quy định hiện hành, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn trở lên (cổ đông lớn).
Cũng tại Luật Các TCTD (sửa đổi), tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ nguyên như hiện hành, tức 5%; giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Để tránh xáo trộn, tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng, Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này đưa ra điều khoản chuyển tiếp. Cụ thể, từ 1/1/2025, cổ đông và người có liên quan vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, theo quy định mới, những tổ chức đang sở hữu hơn 10% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam sẽ không phải giảm tỷ lệ sở hữu. Song, các tổ chức này cũng sẽ không thể tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 10%.
Về xử lý nợ xấu, theo quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi), các TCTD được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Quy định này giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với 1 phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng…
Việc Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua được đánh giá là tín hiệu rất tốt đẹp khởi đầu năm 2024 đối với hệ thống ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Đánh giá chung về quy định tại Luật Các TCTD (sửa đổi), giới chuyên môn cho rằng, luật này sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở… trong thời gian qua.
CTCK MSVN đánh giá, Luật Các TCTD (sửa đổi) hướng đến mục tiêu tăng cường quản lý hoạt động của ngành Ngân hàng, cụ thể là liên quan đến quyền sở hữu và cho vay các bên liên quan. Việc mở rộng đối tượng bị coi là liên quan, đồng thời giảm giới hạn cho vay với các bên liên quan là nhắm đến mục tiêu hạn chế việc cho vay sân sau.
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định hơn. Theo đánh giá của TS. Độ, mục tiêu chính các điểm mới về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm giới hạn cấp tín dụng, tăng yêu cầu về cung cấp thông tin đối với cổ đông nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cũng như chi phối thao túng ngân hàng, từ đó giúp hệ thống TCTD hoạt động minh bạch và an toàn hơn.
Một vấn đề được giới chuyên môn đánh giá không kém phần quan trọng sau khi Luật Các TCTD (sửa đổi) được thông qua là trong thời gian tới, các nghị định, thông tư hướng dẫn cần phải triển khai sớm để đảm bảo luật có hiệu lực kịp thời, khả thi và sát thực tiễn; qua đó góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nâng cao vị thế của hệ thống ngân hàng trong khu vực.