An toàn hoạt động ngân hàng: Tăng cường rèn luyện đạo đức nghề nghiệp
Học tập, làm theo tấm gương của Bác: Xác lập nền tảng đạo đức nghề nghiệp vững chắc | |
Thi “Viết về Đạo đức nghề nghiệp và Văn hóa ứng xử” | |
Gìn giữ hình ảnh đẹp về Ngành, về người cán bộ ngân hàng |
Tăng cường rèn luyện đạo đức nghề giúp ngân hàng bảo đảm hoạt động an toàn, trôi chảy và hiệu quả |
Trong những năm qua, các ngân hàng đã tích cực xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành vừa đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống. Đây cũng là kết quả của quá trình xây dựng và thực hiện Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng đã được Hiệp hội Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) ban hành năm 2019.
Đại điện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp luôn được ngân hàng coi trọng, thực hiện bởi từng cán bộ, nhân viên hàng ngày, hàng giờ. Bởi vì khách hàng, đối tác, các cổ đông mong muốn ngân hàng có được những thành công dựa trên các hành vi có đạo đức, phù hợp với chuẩn mực chung.
Mỗi năm, hàng nghìn tấm gương nhân viên ngân hàng gương mẫu, nắm vững được nghiệp vụ, hiểu rõ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và ứng xử tốt đã được khen thưởng. Đơn cử như tấm gương của chị Nguyễn Thị Thu Phương, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Vĩnh Phúc II đã trả lại tiền thừa cho khách hàng. Chị kể, ngay khi giao dịch với khách hàng, phát hiện khách hàng trả tiền thừa thì ý nghĩ đầu tiên trong chị là thông báo để khách hàng đến nhận lại.
Việc trả lại tiền thừa cho khách hàng là trách nhiệm mà mỗi cán bộ ngân hàng như tôi đều phải làm. Hi vọng rằng, hành động nhỏ bé này sẽ góp một phần để khẳng định đạo đức và trách nhiệm của cán bộ viên chức ngân hàng, lan tỏa niềm tin, sự chuyên nghiệp, tận tình và chu đáo, giữ gìn uy tín với khách hàng và đối tác, chị Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Tại hội thảo trực tuyến “Nâng cao đạo đức cán bộ ngân hàng thông qua bộ chuẩn mực đạo đức” diễn ra vừa qua, PGS,TS. Đào Minh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng nhìn nhận, nghiệp vụ ngân hàng chứa đựng nhiều rủi ro từ việc gửi tiền, từ việc cho vay, và từ dịch vụ thanh toán hộ khách hàng. Trong đó, rủi ro đạo đức nảy sinh từ chính hoạt động kinh doanh của ngân hàng và khách hàng sử dụng vốn của ngân hàng và hậu quả của rủi ro đạo đức lại do người gửi tiền và chính ngân hàng phải gánh chịu.
Để kiểm soát các rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đề cao chất lượng công tác tuyển lựa và thanh lọc nhân sự, nhất là trong các khâu quan trọng trong quy trình thu - chi, thanh toán ngân hàng. Áp dụng bộ quy chuẩn đạo đức nghiêm ngặt và nâng cao nhận thức về đạo đức nghề nghiệp; không ngừng nâng cấp, hoàn thiện những yêu cầu và các quy trình nghiệp vụ cụ thể, chi tiết.
Đồng thời, TS. Nguyễn Minh Phòng cho rằng, cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, và tăng cường hoạt động nghiệp vụ giám sát, thanh tra, kiểm tra trong nội bộ và trong toàn hệ thống; đảm bảo sự minh bạch và thông suốt thông tin, khả năng chủ động nhận diện, phát hiện sớm và áp dụng có hiệu lực thực tế các chế tài nghiêm khắc cho các rủi ro, những hành vi vi phạm hoặc những dấu hiệu cảnh báo, nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp của cấp trên, đồng nghiệp…
Đặc biệt, rủi ro đạo đức cần được nhận diện sớm, ngăn chặn quyết liệt, liên tục, nghiêm túc và thực chất, với tinh thần “phòng hơn chữa”, mà trách nhiệm trước hết thuộc về từng ngân hàng và các cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng, TS. Nguyễn Minh Phong nói.