Tăng trưởng xanh: Cùng bàn, cùng làm và cùng thắng
Từ lo thiếu điện đến tiên phong tăng trưởng xanh
Ngày 19/3, tại Hà Nội, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh” đã được tổ chức. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc lựa chọn chủ đề trên cho hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ cũng như khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, trong triển khai tăng trưởng xanh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) |
Việt Nam xác định tăng trưởng xanh cùng với chuyển đổi số là hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững; đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng... |
Xuyên suốt tại các phiên thảo luận của hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ về những thách thức, khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, từng doanh nghiệp, lĩnh vực nói riêng trong quá trình chuyển đổi xanh hiện nay, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp lớn để đạt được các mục tiêu đặt ra. Trong đó, đảm bảo nguồn cung điện ổn định và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng là một trong những vấn đề được hầu hết đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các nhóm công tác của VBF nêu bật.
“Nếu không có nguồn điện ổn định, giá cả phải chăng và nguồn cung cấp điện bền vững, nhiều mục tiêu được thảo luận hôm nay sẽ khó có thể đạt được. Một trong các nhu cầu chính của tất cả các doanh nghiệp và bất kỳ nhà đầu tư trong tương lai đó là sự ổn định của nguồn cung cấp năng lượng và khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo ngay lập tức, giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn”, ông Joseph Uddo, Chủ tịch AmCham Hà Nội thẳng thắn chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, ông Hong Sun, Chủ tịch KoCham đã nhắc lại câu chuyện thiếu điện, mất điện vào đầu mùa hè năm 2023 tại miền Bắc (bao gồm các khu công nghiệp) để đi tới nhận định cho rằng, nguy cơ thiếu điện là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc trì hoãn quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các công ty trong ngành công nghệ cao. “Vì vậy, rất mong Chính phủ đưa ra phương án cung cấp điện ổn định để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc, tăng cường đầu tư và kinh doanh ổn định tại Việt Nam”, vị này khuyến nghị.
Xác định nguồn cung điện ổn định và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng là những yếu tố nền tảng đầu vào quan trọng cho tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế vì vậy rất hoan nghênh việc Chính phủ gần đây đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (PDP8), đồng thời khuyến nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Kế hoạch thực hiện PDP8, cũng như các chính sách liên quan khác để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc còn tồn tại; thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành này, từ đó tạo nền tảng hạ tầng bền vững vừa để thu hút các nguồn đầu tư chất lượng trong các ngành và cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng xanh và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Kết quả cần cân - đong - đo - đếm được
Dành thời gian lắng nghe tất cả các ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu. Thủ tướng cho rằng, các phát biểu đều cho thấy tinh thần “ba cùng”: Cùng lắng nghe và thấu hiểu; Cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; Cùng làm, cùng phát triển và cùng thắng.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh cùng với chuyển đổi số là hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững; đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...
Không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp cũng là một trong ba “bảo đảm” được Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị. Ba “bảo đảm” này gồm: (i) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và các xu thế lớn của thời đại như ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) Bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; (iii) Bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: (i) Đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, (ii) Đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; (iii) Đột phá về nhân lực. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp để tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; Tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần “Ba tiên phong”: Tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh; Tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh; Tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp, chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.
Theo Thủ tướng, việc hợp tác có thể được và chưa được nhưng quan trọng nhất là cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu thì những vướng mắc dù lớn hay nhỏ đều có thể được giải quyết. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư “đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được”.