Để ngành công nghiệp hỗ trợ có thể đột phá
Các khu công nghiệp phía Nam phát triển sôi động cùng hạ tầng giao thông Doanh nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế |
Dù đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên, ngành CNHT ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế do chi phí sản xuất cao, phần lớn chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, còn thiếu các công đoạn gia công có chất lượng với hàm lượng công nghệ cao… Cùng với đó, ngành CNHT của nước ta hiện còn khá non trẻ.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho biết, ngành CNHT Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ khi các tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội để CNHT tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng là những thách thức không nhỏ, mà lớn nhất chính là yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn quốc tế. Các tập đoàn quốc tế thường có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn và môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp CNHT phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IATF 16949, RoHS, REACH…
Một thách thức khác mà các doanh nghiệp CNHT phải đối mặt là sự phụ thuộc quá mức vào các tập đoàn lớn khi trở thành nhà cung cấp cho họ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các tập đoàn này thay đổi chiến lược hoặc thay đổi nhà cung cấp, doanh nghiệp CNHT có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cạnh tranh từ các nhà cung cấp nước ngoài cũng là một bài toán khó đối với ngành CNHT Việt Nam. Khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, họ thường mang theo các nhà cung cấp thân thiết từ các quốc gia khác. Điều này tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các doanh nghiệp CNHT nội địa, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài thường có lợi thế về công nghệ, vốn và kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Hà Nội (Hansiba) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N&G chia sẻ, để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp nói chung và ngành công nghiệp Hà Nội nói riêng đã chú trọng vào nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và phải phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn ở mức hạn chế, và trong thời gian tới cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. Bởi hiện nay, ngành CNHT mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa Việt Nam. Trong đó, hàng năm phải nhập khẩu dưới 100 tỷ USD linh kiện các ngành điện tử, ô tô…
Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một rào cản lớn đối với ngành CNHT Việt Nam. Để đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ và chất lượng của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp CNHT cần một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, am hiểu công nghệ và có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Chính vì vậy, để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp CNHT cần có chiến lược phát triển bài bản và dài hạn. Trước hết, cần đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất. Việc đạt các chứng nhận quốc tế như ISO, IATF là điều rất cần thiết để có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn lớn.
Ngoài ra, cần chú trọng vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Việc hợp tác với các trường đại học và các tổ chức đào tạo chuyên môn cao sẽ giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và quản lý của các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNHT cũng cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ Chính phủ và các chính sách khuyến khích phát triển ngành CNHT. Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chương trình hỗ trợ về tài chính, công nghệ và đào tạo để phát triển ngành này. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và tận dụng để nâng cao nội lực, tăng năng lực cạnh tranh, ông Phan Đăng Tuất nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp Việt đã chú trọng vào nhiều lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và phải phát triển bền vững.