Tăng vốn vẫn là bài toán nhiều áp lực
Ngân hàng nỗ lực tăng vốn trung dài hạn | |
Ngân hàng tính đường dài với Basel III | |
Gỡ thế khó tăng vốn cho Big 4 |
Một loạt các ngân hàng đã và đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu để chia cổ tức năm 2020 cũng như phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ. Chỉ tính riêng trong tháng 6, đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ được bổ sung. Ước tính trong tháng 7, lượng cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường rơi vào khoảng hơn 2,2 tỷ cổ phiếu - tương đương 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ.
Đơn cử, MSB vừa công bố Nghị quyết của HĐQT về việc tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Nhà băng này dự kiến phát hành thêm 352,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức của năm 2020, nâng tổng số lượng cổ phiếu sau phát hành lên 1,53 tỷ cổ phiếu, tương đương tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng. Phương án tăng vốn này cũng đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào kỳ đại hội thường niên tổ chức vào tháng 3/2021.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức |
Cổ đông của VPBank cũng đã tán thành phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 bằng việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. VPBank phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 80%, trong đó 62,15% là trả cổ tức bằng cổ phiếu và 17,85% là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 45.057 tỷ đồng.
Các cổ đông của LienVietPostBank cũng sẽ nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu của ngân hàng với tỷ lệ 12%. Số lượng cổ phiếu mà LienVietPostBank dự kiến phát hành thêm đợt này là gần 129 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 12.036 tỷ đồng. Đại diện OCB cũng cho biết, ngân hàng đã phát hành gần 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 25%, nâng vốn điều lệ lên 13.698 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tới, OCB sẽ phát hành thêm khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn điều lệ sau khi thực hiện các đợt phát hành sẽ đạt gần 14.450 tỷ đồng…
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tăng vốn luôn luôn là vấn đề bức thiết của ngân hàng, và ở bối cảnh hiện nay thì việc “làm dầy” nguồn lực về tài chính càng quan trọng hơn. Theo chuyên gia này, rất nhiều ngân hàng Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II. Khi tuân thủ được theo chuẩn này thì các nhà băng sẽ có lợi thế và ưu tiên hơn trong một số vấn đề, như việc được NHNN phân bổ thêm room tăng trưởng tín dụng.
Chung quan điểm, Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ: Một khi các ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro tức là dư nợ tín dụng, tăng danh mục đầu tư vào các tài sản rủi ro khác, đòi hỏi vốn tự có của ngân hàng cũng phải tăng lên tương ứng. Theo đó, với mức CAR tối thiểu 8% thì chưa đạt yêu cầu để ngân hàng được xếp hạng A theo quy định của NHNN. Theo tiêu chuẩn chung của hệ thống Camels thậm chí phải duy trì hệ số CAR là 10% cho vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là trên 12%. “Nếu ngân hàng tiến tới Basel III thì tỷ lệ an toàn vốn còn yêu cầu khắt khe hơn. Trong đó yêu cầu vốn cấp 1 của ngân hàng đều phải cao hơn, nên ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có thể có cơ hội để được gia tăng tăng trưởng tín dụng và tăng tổng tài sản”, ông Hưng cho hay.
Quả thực, chỉ khi một ngân hàng có quy mô lớn, có vốn tự có đủ mạnh thì mới có sức chống chịu trước những biến động thị trường, rủi ro lớn và từ đó gia tăng cơ hội tăng trưởng.
Với việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ông Nguyễn Hưng nhìn nhận, việc làm này dễ được các nhà đầu tư hiện hữu chấp nhận hơn khi họ đã gắn bó và hiểu được chiến lược phát triển của ngân hàng. Thêm nữa, tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn rất phức tạp, song hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan. Do đó, nhà đầu tư cũng có kỳ vọng về khả năng sinh lời bằng việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng có phần cao hơn, an toàn hơn so với các kênh đầu tư khác. Điều này cũng lý giải vì sao thời điểm này nhiều ngân hàng lựa chọn để phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Khảo sát của SSI cho thấy, so với một số quốc gia trong khu vực châu Á thì tỷ lệ ROE (khả năng sinh lời) của các ngân hàng Việt Nam cao hơn: Tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ… ROE chỉ ở mức khoảng 9-11%. Bên cạnh tín dụng, hiện các ngân hàng Việt Nam đang có dư địa tăng trưởng về phí dịch vụ khá lớn so với các nước khác, bởi sự thâm nhập dịch vụ ngân hàng hiện tại đang còn thấp (mới chỉ khoảng 30% dân số), tỷ lệ người mua sản phẩm tài chính cũng còn giàu tiềm năng... nên kỳ vọng đối với tăng trưởng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư vẫn rất sáng sủa.
Nhìn rộng ra, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khi ngân hàng trường vốn thì sẽ tiết kiệm tương đối chi phí trong quá trình huy động vốn cũng như các yếu tố liên quan làm tăng chi phí vốn. Từ đó có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay qua đó tiếp tục trong việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, bởi khi ngân hàng khoẻ về tài chính đồng nghĩa cũng gia tăng khả năng hỗ trợ cho khách hàng.