Gỡ thế khó tăng vốn cho Big 4
Ngân hàng tầm khu vực: Đích đến không xa | |
Ngân hàng cấp tập tăng vốn | |
Ngân hàng quyết tăng vốn sau mùa đại hội cổ đông |
VietinBank vừa được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước theo Quyết định số 765/QĐ-TTg. Theo quyết định này, Chính phủ phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước 6.977 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu tại VietinBank. Vốn bổ sung từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông nhà nước, thông qua việc ngân hàng phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Việc chính thức được phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với VietinBank – một trong 4 NHTM Nhà nước lớn của hệ thống ngân hàng, vốn đang ở trong thế kẹt đối với việc tăng vốn khi mà từ năm 2014 nhà băng này không được bổ sung thêm vốn điều lệ, trong khi cạn room ngoại, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế. Vì thế, nhiều năm nay, ngân hàng này liên tục đề nghị Chính phủ cho phép giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn do hệ số CAR đang ở mức tối thiểu và có nguy cơ thủng lưới an toàn vốn nếu áp dụng Basel II.
Tăng vốn sẽ đảm bảo khả năng cung ứng tín dụng và vị thế cho các NHTM Nhà nước |
Với việc được tăng vốn sẽ giúp VietinBank cải thiện lại chỉ số an toàn vốn của mình, tăng trưởng tín dụng cao hơn, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, sẽ góp phần nâng cao mức độ tín nhiệm của VietinBank theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế… Dự kiến, VietinBank sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức trong quý III - IV/2021, tỷ lệ chi trả cổ tức của VietinBank là 29,0695%. Sau khi hoàn thành, vốn Điều lệ của VietinBank dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.
Một NHTM Nhà nước khác là Vietcombank nhiều khả năng cũng sớm được chấp thuận tăng vốn thêm 10.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2019.
Như vậy, sau khi được tăng vốn, cả 3 ngân hàng trong nhóm “big 4” đều có vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng, tức chỉ còn Agribank là vốn điều lệ chưa đạt 40.000 tỷ đồng. Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong năm 2020 giữ lại, song vẫn chỉ đạt hơn 34.000 tỷ đồng. Do vốn điều lệ tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng tài sản, hệ số an toàn vốn của Agribank đang suy giảm dần. Hiện nay, tỷ lệ vốn điều lệ/tổng tài sản của Agribank hiện chỉ đạt hơn 2%, vào nhóm thấp nhất của hệ thống ngân hàng (các ngân hàng khác khoảng 10%). Nhờ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, Agribank vẫn đảm bảo hệ số CAR trên 9%. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo chuẩn Basel 2 của Thông tư 41, hệ số CAR của Agribank chỉ còn 7,7%, không đạt mức tối thiểu.
Agribank sớm cổ phần hóa
Hiện nay, Agribank vẫn là NHTM 100% vốn nhà nước, trong khi ngân sách rất khó khăn khiến ngân hàng luôn phải chịu cảnh “ăn đong” về vốn. Việc phát hành trái phiếu cấp 2 cũng bị giới hạn, không phải phát hành mãi được trong khi nhu cầu tăng trưởng hàng năm rất lớn. Bởi vậy Agribank đang mong quyết định cổ phần hóa từng ngày để sớm tăng vốn.
Ông Phùng Văn Hưng Quang - Kế toán trưởng Agribank cho biết, ngân hàng đã có quyết định cổ phần hóa từ năm 2007, nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 khiến Chính phủ quyết định tạm dừng kế hoạch này. Năm 2017, Agribank bắt đầu khởi động quá trình cổ phần hóa, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do còn nhiều vướng mắc.
Theo đại diện Agribank, các công đoạn của cổ phần hóa rất phức tạp như: chuẩn bị về mặt xử lý tài chính, về tái cấu trúc hoạt động công ty con, thoái vốn đầu tư ra ngoài, sắp xếp lại các khoản nợ đã xử lý rủi ro, xử lý các khoản phải thu khó đòi lâu ngày… Vì vậy, ngay cả khi có quyết định cổ phần hóa cuối năm nay thì sớm nhất cũng phải đến năm 2024, Agribank mới có thể hoàn tất quá trình cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Do chưa cổ phần hóa nên Agribank chưa đến giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược để tăng vốn khi IPO. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, việc tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngay tại thời điểm IPO là khó khả thi. Trên thực tế, ngay cả Vietcombank, VietinBank và BIDV - dù IPO vào thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi cũng phải mất 3-8 năm sau khi IPO mới tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp. Hiện nay, các đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nước ta chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Trong khi đó, các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc thì hầu như đã trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong nước như Keb Hana, Mizuho, Tokyo-Mitsubishi UFJ, SMBC… Chưa kể “room” vốn ngoại khiêm tốn và cơ chế giá thị trường, không có bất kỳ ưu tiên nào cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn, kéo dài. Vì vậy, ông Chu Mạnh Hùng kiến nghị, Chính phủ chưa nên đặt ra yêu cầu phải có đối tác chiến lược nước ngoài tại thời điểm IPO Agribank, vì yêu cầu này sẽ khiến quá trình cổ phần hóa Agribank có nhiều phức tạp và kéo dài thời gian hơn.
Bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Agribank cũng chia sẻ, ngân hàng đang rất sốt ruột, mong ngóng được cổ phần hóa. Bởi cổ phần hóa sẽ khiến Agribank thoát khỏi cảnh “ăn đong” về vốn để đảm bảo hệ số CAR, từ đó chủ động được các chỉ tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, việc chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần cũng sẽ giúp ngân hàng tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, giảm các gánh nặng chính sách, hoạt động theo hướng thị trường nhiều hơn, cạnh tranh công bằng hơn.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi các ngân hàng này đang căng sức hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.