Tạo cơ hội hợp tác cho công nghiệp hỗ trợ
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô | |
Đẩy mạnh kiểm soát gian lận thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ | |
Xử lý phản ánh rất ít DN được hưởng ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Theo thống kê từ cơ quan chức năng TP.HCM, hiện nay, gần 80% linh kiện, nguyên vật liệu dành cho sản xuất công nghiệp tại thành phố vẫn phải nhập khẩu. Hiện TP.HCM chỉ có khoảng 1.200 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm, khá nhỏ so với quy mô hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn “khiêm tốn”, chưa tạo được động lực để các doanh nghiệp FDI kết nối chuỗi liên kết toàn cầu để tăng giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là các linh kiện, chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo để sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ vì có vai trò quan trọng, là động lực cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.
TP.HCM đã ban hành chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ |
“Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI trên các lĩnh vực công nghiệp để hỗ trợ và kết nối, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố nói chung và công nghiệp hỗ trợ của thành phố nói riêng. Một trong những hoạt động quan trọng của TP.HCM là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của thành phố với các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố. Thành phố đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các triển lãm công nghiệp chuyên ngành… Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng có điều kiện để mở rộng hợp tác và cùng phát triển”, ông Phong khẳng định.
Trong năm 2019, đã có nhiều sự kiện như thế được tổ chức tại TP.HCM như "Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019”, “Triển lãm Quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp và Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2019”... Các hội nghị và triển lãm quy tụ hàng trăm công ty đến từ các nước có nền công nghiệp phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đức... để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau và với các doanh nghiệp FDI.
Các chương trình xúc tiến mà thành phố thực hiện đã đem đến một kết quả khả quan. Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 đã có 242 cuộc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI. Tại sự kiện này, 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện đã liên kết với 80 doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ của Việt Nam để tìm nhà cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng cũng đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng.
Góp ý cho các doanh nghiệp cung ứng, ông Nguyễn Dương Hiệu, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM cho rằng, các nhà cung ứng trong nước muốn tham gia vào chuỗi quốc tế phải đảm bảo rất nhiều tiêu chuẩn. Ví như doanh nghiệp muốn trở thành nhà cung ứng cho Samsung phải đáp ứng 141 tiêu chuẩn. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tham gia cung ứng bền vững, cạnh tranh liên tục công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính vì thế, tự thân doanh nghiệp phải có hướng phát triển lâu dài, dựa vào 3 tiêu chuẩn: công nghệ, quản trị, giá thành.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, thời gian qua thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án.
“TP.HCM đã ban hành chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giúp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, TP.HCM đã phê duyệt 22 dự án với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình đã bước đầu tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, một số doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho Tập đoàn Samsung như Công ty Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên... Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM”, ông Phong cho biết.