Tạo thế chủ động khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Việt Nam đã chính thức áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất từ ngày 1/1/2024. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của sắc thuế này.
Mặc dù thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng, nhưng theo các chuyên gia, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI |
Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu còn tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế. Ông Nguyễn Trần Khánh, Giảng viên Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển phân tích, sắc thuế này góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút doanh nghiệp FDI theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Mặt khác, đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế thấp hơn mức tối thiểu, thì Việt Nam cũng có thể thu thêm được thuế thu nhập doanh nghiệp từ những doanh nghiệp này.
Xác định sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chính sách thuế này khi được áp dụng sẽ tác động trước hết đến doanh nghiệp FDI và việc thu hút mới các dự án đầu tư nước ngoài, cũng như ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động. Ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nhưng nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia phải chịu thuế suất thuế tối thiểu thì sẽ bị liên đới.
Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn về chi phí, thị trường khi chịu thêm thuế sẽ khó chồng thêm khó. Do đó, ông Nguyễn Trần Khánh cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tăng sự gắn kết và sức cộng hưởng của Việt Nam với các nhà đầu tư trong thời gian tới; cần xác định các nhà đầu tư chiến lược để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả như: hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương. Đồng thời, cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI từ hướng ưu đãi về thuế sang hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đào tạo lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ...
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp thực hiện. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách pháp luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của Chương trình chống xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận. Đồng thời, có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.