Tạo thuận lợi cho tín dụng tiêu dùng phát triển
Tạo thuận lợi cho kênh tín dụng tiêu dùng chính thức phát triển, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vay vốn |
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng:
Nỗi lo tín dụng đen đang "trỗi dậy"
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng |
Thời gian qua, các công ty tài chính đã tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Theo thống kê, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10% cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Với việc nợ xấu tăng cao, hiện nhiều công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay. Điều này khiến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng. Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy.
Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:
Tạo thuận lợi cho phát triển các kênh tín dụng chính thức
Bà Phạm Thị Thanh Tùng (giữa), Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế |
Để mở rộng kênh tín dụng chính thức, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, hạn chế tín dụng đen, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, hành vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, trong đó đặt ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường các kênh tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen.
Mục tiêu là tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát triển các kênh tín dụng chính thức và các giải pháp tăng cường tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các nhu cầu phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng.
Để thực hiện được 2 mục tiêu, NHNN đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Trước hết là rà soát, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư... để mở rộng nhu cầu đáp ứng vốn, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, công khai thông tin điểm giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ, tăng cường nhận thức của người dân. Trong đó, Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39 đã mở rộng cho vay bằng phương thức điện tử, hoàn thiện các quy định về mở thẻ tín dụng, quy định về xác thực khách hàng để đảm bảo an toàn trong hoạt động thnah toán.
Bên cạnh đó, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đặc biệt là các sản phẩm tín dụng tiêu dùng cho các đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị các đối tượng tín dụng đen tiếp cận.
Đồng thời, NHNN triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội...
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, NHNN cũng có chính sách hỗ trợ kịp thời các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, người tiêu dùng trong chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, miễn giảm lãi vay... Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới tại các khu vực vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.
Riêng với 16 công ty tài chính được cấp phép, đến nay đã gần 74.000 nghìn điểm giao dịch, giới thiệu sản phẩm. Đây là nguồn để người dân dễ dàng tiếp cận kênh tín dụng chính thức được Nhà nước cấp phép...
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an:
Triệt phá nhiều băng nhóm liên quan đến tín dụng đen
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an |
Trong năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 12, lực lượng công an đã khởi tố 89 vụ án, và 434 bị can hoạt động tín dụng đen. Trong đó có nhiều băng nhóm hoặc nhóm đối tượng hoạt động liên quan công nghệ cao, có cả người nước ngoài vào thành lập núp bóng thuê người Việt Nam hoạt động tín dụng đen với lãi suất lên đến cả nghìn %.
Qua đánh giá, tình hình tín dụng đen đang nổi lên theo 3 phương thức: "truyền thống"; "truyền thống kết hợp công nghệ" và "sử dụng công nghệ hoàn toàn". Trong đó, liên quan đến tình hình tín dụng đen sử dụng công nghệ nổi lên với nhiều thủ đoạn.
Cụ thể, các đối tượng đơn lẻ sử dụng mạng xã hội để đăng tin, quảng cáo cho vay; núp bóng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính với nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương khác nhau, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa sử dụng công nghệ cao; tạo lập các ứng dụng, website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập… giống hoặc gần giống các ứng dụng của ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính được cấp phép chính thống để dụ dỗ, lôi kéo người vay; núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty kinh doanh dịch vụ tài chính để mua bán các khoản nợ, sau đó gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động tín dụng đen gia tăng hoạt động lưu động, gây án ở nhiều địa bàn, triệt để lợi dụng công nghệ, mạng xã hội, ứng dụng, website... phát tán tờ rơi, quảng cáo để mời chào cho vay, nhất là đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên…
Để đối phó với tình trạng tín dụng đen, cần tăng cường công tác tuyên truyền giúp người dân nhận diện các website, ứng dụng giả mạo ngân hàng, công ty cho vay tiêu dùng; ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh phối hợp với ngành Công an để sớm triển khai việc xác thực thông tin người vay dựa trên dữ liệu về dân cư, đảm bảo hạn chế việc người dân giả mạo thông tin để vay tín dụng, cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ; sớm triển khai các khoản vay ưu đãi, không cần tài sản đảm bảo dựa trên xác thực dữ liệu về dân cư...
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia:
Luật hóa tạo sự công bằng giữa bên vay và bên cho vay
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia |
Qua nghiên cứu có thể thấy thị trường cho vay tiêu dùng bao hàm 3 phân khúc cho vay chính. Một là cho vay tiêu dùng bởi các ngân hàng thương mại (chiếm 88% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng), công ty tài chính (chiếm 12%) và một số định chế tài chính khác. Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khoảng 20-21% GDP, tương đương 12-13% tổng dư nợ của nền kinh tế. Đây là mức khá thấp so với bình quân của các nước trên khu vực.
Câu chuyện "bùng nợ" trong thị trường cho vay tiêu dùng bắt nguồn từ nhận thức dễ vay thì sẽ dễ bùng. Hiện có 4 nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất, quy trình, thủ tục và khẩu vị rủi ro với từng nhóm khách hàng giữa ngân hàng thương mại và các công ty tài chính rất khác nhau.
Thứ hai, khách hàng mục tiêu cũng rất khách nhau, ví dụ công tài chính nhắm đến đối tượng khách hàng dưới chuẩn, khi kinh tế khó khăn, nhóm khách hàng dưới chuẩn sẽ gặp khó khăn ngay, nợ xấu với nhóm khách hàng này sẽ tăng cao nhất...
Thứ ba, mức độ hiểu biết về tài chính nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng ở Việt Nam hiện nay ở mức thấp; thị trường tài chính của chúng ta chưa phát triển; giáo dục tài chính dù đã được quan tâm hơn nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thứ tư, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của người dân vẫn còn khá khiêm tốn; bộ máy hành pháp, cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý nhưng chưa liên tục. Đặc biệt sự phối kết hợp giữa các bên liên quan còn hạn chế. Một mình ngành Ngân hàng, một mình ngành công an không thể làm được việc này.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh:
Xử lý nghiêm các hành vi bùng nợ
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh |
Thời gian qua, một số hội nhóm truyền tai nhau kinh nghiệm để lôi kéo, hướng dẫn bùng nợ trên các nền tảng xã hội đang để lại rất nhiều hệ lụy. Để xử lý các trường hợp này, hệ thống pháp luật ở nước ta khá hoàn chỉnh, từ xử phạt hành chính đến xử lý hình sự.
Việc lập hội nhóm nêu trên theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, những người cố tình có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu vẫn cố tình vi phạm, các đối tượng này sẽ bị xem xét về tội lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản bằng bất kỳ hình thức như vay, mượn... nhưng cố tình không trả cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc MB Shinsei:
Công ty tài chính được cấp phép bị đánh đồng với tín dụng đen
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng Giám đốc MB Shinsei |
Hiện có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép song giá trị tích cực mà các công ty này đang bị pha loãng bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức - hay còn gọi là tín dụng đen. Việc bùng nổ các app cho vay tiêu dùng giả danh khiến góc nhìn của nhiều người đối với hoạt động của các công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó.
Bên cạnh đó, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng bởi khách hàng không có tài sản đảm bảo. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng.
Do đó, trong thời gian tới, mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ cho các lực lượng thu hồi nợ và nhân sự của các công ty tài chính tiếp cận khách hàng để tìm giải pháp, thay vì có những giải pháp tiêu cực, thậm chí là ngăn cấm như hiện tại. Đồng thời phối hợp răn đe đối với những đối tượng cố tình mặc dù có tiền nhưng chạy ì không trả nợ.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống, phân biệt rõ với hoạt động tín dụng đen. Đặc biệt cần có những giải pháp căn cơ nhất là những chính sách hỗ trợ vực dậy nền kinh tế; các chính sách tiền tệ, tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, từ đó giúp hồi phục thị trường tiêu dùng.