Tập huấn kỹ năng phòng chống tội phạm cướp ngân hàng
Ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ, phát biểu ghi nhận đóng góp của Công an huyện Cẩm Khê trong buổi tập huấn. |
Tham dự có ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ; Đại tá Hoàng Nguyễn Phi Khanh - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Khê; ông Ngô Quang Ước - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê; ông Nguyễn Quang Hòa - Trưởng Công An huyện Cẩm Khê cùng nhiều cán bộ đến từ các ngân hàng địa phương.
Buổi tập huấn nhằm mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống về an ninh trật tự khi xảy ra tội phạm cướp tài sản tại ngân hàng. Những thông tin được Công an huyện Cẩm Khê cung cấp bao gồm thực trạng, thủ đoạn và kiến nghị phòng chống cướp, cướp giật tài sản.
Buổi tập huấn cũng hướng đến mục tiêu tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự giữa lực lượng chức năng và các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Trưởng Công An huyện Cẩm Khê, chia sẻ về kỹ năng phòng chống tội phạm cướp tài sản ngân hàng. |
Phát biểu tại Buổi tập huấn, ông Nguyễn Quang Hòa (Trưởng Công An huyện Cẩm Khê, cho biết do đặc thù của công việc nên các giao dịch viên đa phần đều là nữ. Trung bình trên địa bàn chỉ có 1-2 người bảo vệ trên một trụ sở ngân hàng, lực lượng này còn mỏng. Trong khi đó, bảo vệ đều ở độ tuổi khá cao, các trang thiết bị khá sơ sài.
“Các nhân viên ngân hàng cần phải thường xuyên được tập huấn các kỹ năng, cập nhật thông tin về tội phạm cũng như các thủ đoạn mới. Về cơ sở hạ tầng như camera, thiết bị định vị, thiết bị báo động… cần phải được đáp ứng được các yêu cầu hiện nay để đảm bảo phòng chống cướp. Chẳng hạn, hệ thống camera cần phải được lắp ở các vị trí hiệu quả để nhận diện nghi phạm nhanh hơn, dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Quang Hòa cho biết.
Trưởng Công An huyện Cẩm Khê cũng nhấn mạnh rằng cần thêm camera bí mật, có tầm nhìn bao quát khai thác được những khu vực quan trọng. Hệ thống báo động khẩn cấp không chỉ báo động tới toàn ngân hàng mà còn phải có tác dụng truyền tin đến lực lượng chức năng để có những phản ứng kịp thời. Trong quá trình vận chuyển tiền, các ngân hàng cần phải đầu tư những loại xe ô tô chuyên dụng, có thêm các thiết bị theo dõi.
Theo ông Phạm Trường Giang - Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Phú Thọ, đơn vị đã có những văn bản chỉ đạo xuyên suốt nhằm tăng cường an ninh trật tự tại các phòng giao dịch, ngân hàng và tổ chức tín dụng. Các buổi tập huấn kỹ năng kiến thức phòng chống cướp cũng đã được tổ chức thường xuyên hơn. Nhờ sự phối hợp của Công an tỉnh, hoạt động tập huấn đem lại nhiều thông tin, hình thành một cơ sở để các phòng giao dịch xem xét, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống tội phạm.
“Hiện nay, ngành Ngân hàng tại Phú Thọ đang rất phát triển, có hàng triệu tài khoản đã đăng ký, ba hệ thống ngân hàng lớn đã phủ khắp 225 xã là Agribank, LPBank và Nam A Bank. Ngân hàng là một bộ phận quan trọng, bên cạnh rủi ro về thanh toán, rủi ro về lãi suất… ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro về an toàn an ninh. Một ngân hàng gặp vấn đề, mất tài sản sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, công tác phòng chống tội phạm đối với ngân hàng và tổ chức tín dụng là vô cùng cần thiết và được chúng tôi tích cực triển khai thời gian gần đây”, ông Phạm Trường Giang chia sẻ.
Đại diện Công an huyện Cẩm Khê ký văn bản phối hợp phòng, chống tội phạm cướp tài sản với đại diện Agribank của huyện. |
Cũng tại sự kiện, Công an huyện Cẩm Khê đã ký văn bản phối hợp phòng, chống tội phạm cướp tài sản với các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn.
Ông Phạm Trường Giang đánh giá rằng sự hợp tác này có ý nghĩa rất lớn và đã được trăn trở từ lâu. Cẩm Khê là một huyện đang phát triển và nắm giữa một nguồn vốn lớn (khoảng 3.800 tỷ đồng), vì vậy việc thúc đẩy an ninh khu vực, đảm bảo hoạt động của các ngân hàng là điều cấp thiết.
Kết thúc buổi tập huấn, đại diện Công an tỉnh Phú thọ chỉ ra ba nhiệm vụ chính của phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm cướp tài sản như sau. Thứ nhất, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng ngừa tội phạm cướp tài sản. Tiêu biểu là quan tâm lắp đặt hệ thống cảnh báo phát tín hiệu cấp cứu phù hợp, kết nối khẩn cấp tới lực lượng chức năng; Camera giám sát chất lượng cao, có chức năng ghi hình, thu âm; Nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm… Thứ hai, nhân viên ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần thường xuyên cập nhật thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, từ đó phát hiện và đấu tranh kịp thời. Thứ ba, các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn huyện Cẩm Khê tích cực, thường xuyên trao đổi, phối hợp với Công an huyện.