Thách thức trong quản lý các công ty Fintech
Fintech kết nối ngân hàng tăng cung tín dụng | |
Ngân hàng bắt tay fintech: Người dùng hưởng lợi | |
Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng |
Sự trỗi dậy của các công ty Fintech
Thời gian gần đây, các công ty Fintech đang trỗi dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên điều đó cũng đang đặt ra thách thức cho công tác quản lý. Điều này đã được nêu lên tại diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức.
Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã phát triển gấp 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến 154 công ty vào cuối năm 2021. Đáng chú ý, năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và xếp thứ 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Ngân hàng số PVcomBank phát biểu tại diễn đàn |
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể, đóng góp tích cực vào việc mở rộng rất hiệu quả các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA chia sẻ, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá đang bước vào giai đoạn bùng nổ. Hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ khác trong nền kinh tế đã mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích cho người sử dụng trên không gian số. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền tiết kiệm đã được số hóa toàn diện, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị, 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Nhiều ngân hàng Việt đã đạt tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập ở mức tối ưu.
Cũng theo ông Hùng, lĩnh vực Fintech của Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tiến vượt bậc nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi theo dự báo của NHNN Việt Nam, giá trị thanh toán di dộng tại Việt Nam dự kiến tăng 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Cần đảm bảo an toàn tài chính
Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của các Fintech đã khiến các quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, giám sát do những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, an ninh, an toàn, bảo mật thông tin... Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông Hùng cho biết, các ngân hàng luôn có một độ trễ nhất định về công nghệ so với các công ty Fintech. Cùng với đó, các công ty Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo, giúp tiết kiệm giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sự xuất hiện của các công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nhiều bất lợi về thị phần, lợi nhuận. Đồng thời, hoạt động của các công ty cung ứng giải pháp Fintech cũng đang chịu những bất cập về pháp lý…
Một thực tế nữa là hiện các ngân hàng vẫn có khả năng gặp phải những rủi ro trên môi trường số phổ biến như đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ, tài khoản điện tử, dù các ngân hàng đã áp dụng áp giải pháp công nghệ mới nhất và thường xuyên cảnh báo tới khách hàng.
Chia sẻ về những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho hay, hiện ở nhiều ngân hàng, các nhân sự chưa đáp ứng được nhu cầu chuyên môn trong chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo chưa theo kịp xu hướng phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng lõi còn tương đối lạc hậu, chưa đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên dữ liệu lớn. Các công nghệ ứng dụng trong ngân hàng số thường có tốc độ phát triển nhanh và dễ dàng bị thay thế bởi các công nghệ mới. Do đó, các ngân hàng phải thường xuyên cải tiến, bảo trì và nâng cấp hệ thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của khách hàng, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt theo các chuyên gia, hiện tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh và thay đổi từng ngày, nhưng các quy định pháp lý lại chưa theo kịp, hành lang pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng về các giao dịch điện tử còn yếu và thiếu, hiện các cơ quan chức năng cũng liên tục cảnh báo nguy cơ biến tướng của tín dụng đen với hoạt động cho vay qua app.
Được biết, để tạo hành lang pháp lý cho các Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN Việt Nam đã trình Chính phủ để ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Regulatory Sandbox), trong đó sẽ quy định về việc cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ, cho vay ngang hàng, chia sẻ dữ liệu lập trình ứng dụng mở...