Ngân hàng bắt tay fintech: Người dùng hưởng lợi
Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng | |
Fintech đẩy mạnh hoạt động | |
3 lĩnh vực trọng điểm mới của Công nghệ tài chính |
Trao đổi tại Hội thảo “Tương lai fintech trong mối quan hệ hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng tuy mới xuất hiện nhưng các doanh nghiệp fintech Việt Nam phát triển rất nhanh về số lượng và quy mô. Nếu như thời điểm năm 2008 mới có những doanh nghiệp fintech đầu tiên được NHNN cấp phép hoạt động, và cũng mới chỉ hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực trung gian thanh toán, chuyển tiền, thì đến thời điểm này, theo Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng các doanh nghiệp fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng gần 4 lần với hơn 150 doanh nghiệp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo bảng xếp hạng trung tâm fintech toàn cầu năm 2021, điểm fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Hùng nhận định, đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy chúng ta đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây. Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty fintech trong thời gian qua cũng là một thách thức đối với ngân hàng truyền thống. Ông Dilip Krishnan, Lãnh đạo toàn cầu - Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số, Bộ phận Dữ liệu và Dịch vụ của Mastercard nhận định, tuy ngân hàng truyền thống có lịch sử và thương hiệu lâu năm, mạng lưới hoạt động rộng lớn, lợi thế về lượng dữ liệu lớn của khách hàng, có đủ tài chính và kinh nghiệm hoạt động, nhưng luôn có một độ trễ nhất định về mặt công nghệ so với các công ty fintech. Do đó, có những chiến lược của ngân hàng trong thời gian qua không thể hoàn thành nếu thiếu công nghệ tài chính.
Tuy nhiên, công bằng mà nói thì các công ty fintech là động lực khiến NHTM chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng. Ngân hàng có thể tận dụng công nghệ hỗ trợ của fintech để ứng dụng vào các sản phẩm dịch vụ tài chính, từ đó mở rộng tệp khách hàng và chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Ở chiều ngược lại, tuy các fintech có thế mạnh về công nghệ, giá dịch vụ rẻ hơn thậm chí là nhiều dịch vụ miễn phí cho khách hàng do họ không mất chi phí quản lý chi nhánh hay hệ thống công nghệ thông tin cồng kềnh, nhưng lại chưa hiểu rõ thị trường cũng như hạn chế về mặt dữ liệu khách hàng.
Tính tuân thủ cũng là một vướng mắc khi họ phải đáp ứng các điều kiện của các cơ quan quản lý nếu muốn mở rộng sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, hạ tầng của fintech cũng không được phép kinh doanh nhiều dịch vụ đa dạng như ngân hàng. Chính vì vậy, việc kết hợp với các nhà băng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho fintech trong việc mở rộng thị trường và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thực tế, đã có rất nhiều mô hình thành công khi ngân hàng kết hợp cùng fintech. Đơn cử như VPBank đã kết hợp cùng ứng dụng gọi xe Be và cho ra đời Ngân hàng số Cake by VPBank.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Tổng Giám đốc Cake by VPBank, cho biết nhờ việc ứng dụng các công nghệ mới, chỉ trong 20 tháng, ngân hàng số này đã có 2,3 triệu khách hàng, một con số đáng mơ ước mà ngân hàng truyền thống có khi phải mất tới 20 năm để đạt được.
Chia sẻ kinh nghiệm để đạt được thành công như trên, ông Quang cho biết phải bắt đầu từ việc định hình mô hình kinh doanh và xác định nhu cầu khách hàng.
Thứ hai là năng lực triển khai phải nhanh. Đơn cử như với Cake, một sản phẩm mới được triển khai trong vòng hai tháng, chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận sai để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, phải nhanh gấp ba các đơn vị truyền thống.
Thứ ba là ứng dụng được năng lực về AI, Big Data, dùng Big Data để am hiểu hành vi khách hàng, từ đó đơn giản hoá các quy trình.
Tiếp theo là làm đơn giản hoá các sản phẩm, dịch vụ ngay cả với những sản phẩm có tính phức tạp để tạo sự nhanh chóng, tiện lợi nhất cho người dùng. Muốn vậy, đòi hỏi cần có năng lực, nền tảng công nghệ mạnh.
Tuy nhiên, một vấn đề cốt tử để đảm bảo cho sự kết hợp ngân hàng- fintech thành công vẫn là vấn đề an ninh, bảo mật. Ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc VinCSS dẫn kết quả một báo cáo cho thấy, trung bình các tổ chức tài chính bị tấn công khoảng 3,4 vụ/năm trong vòng 12 tháng qua, 90% tổ chức đã bị ít nhất một vụ tấn công. 80% lý do là vì các tổ chức này dùng biện pháp xác thực yếu dẫn đến thiệt hại lớn.
Đáng chú ý, mặc dù 99% các tổ chức thừa nhận cơ chế xác thực có vấn đề nhưng chỉ 37% tổ chức thay đổi cơ chế xác thực, 67% không thay đổi gì.
Theo ông Trác, tài chính - ngân hàng luôn là một mục tiêu nhắm đến của tin tặc, chính vì vậy, các tổ chức cần ứng dụng các công nghệ bảo vệ tiên tiến hơn. Một khảo sát cho thấy, từ khi áp dụng xác thực mạnh hơn, các tổ chức đã giảm 91% vụ tấn công lừa đảo và đánh cắp danh tính; đồng thời tăng 64% trải nghiệm người dùng, giảm 14% chi phí vận hành; tăng 21% tỷ lệ chuyển đổi số thành công.
“Xác thực không mật khẩu là bước đột phá tiếp theo trong việc chuyển đổi số an toàn, định hình tương lai của an ninh mạnh và tài chính số. Có an toàn, bảo mật, người dùng mới an tâm sử dụng dịch vụ ngân hàng”, ông Trác cho biết.