Thách thức trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Tận dụng các “vận hội” mới để tăng cường xuất khẩu | |
Khó khăn bên ngoài gia tăng, xuất khẩu đối mặt với giai đoạn “chững lại” |
Theo đại diện Công ty cổ phần Nafoods Group, hiện chanh leo và sầu riêng là 2 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp. Trước tình hình mới, Nafoods Group đã chủ động tiếp cận thông tin để phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng. Công ty đã thiết lập 600 héc-ta sản xuất chanh leo an toàn và có thể đạt diện tích 2.000 héc-ta có mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu vào năm 2023.
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, sau gần 1 năm Lệnh 248 có hiệu lực, tính đến đầu tháng 12/2022, đã có 2.426 mã sản phẩm được cấp phép nhập khẩu vào Trung Quốc; 1.236 mã sản phẩm thuộc nhóm 18 mặt hàng đăng ký qua cơ quan thẩm quyền, chiếm 50,9%; và 1.190 mã sản phẩm không thuộc danh mục phải đăng ký qua cơ quan thẩm quyền.
Ông Ngô Xuân Nam cho hay, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức như việc đăng ký online trên hệ thống đăng ký của Hải quan Trung Quốc đòi hỏi phải sử dụng công nghệ và ngoại ngữ (tiếng Trung, tiếng Anh). Ngoài ra, một số vướng mắc khác là nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu và nắm bắt được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm của Trung Quốc nên chưa đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm của phía bạn.
Ông Nam cho rằng, để đáp ứng được các điều kiện đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần thiết lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo nguyên tắc hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (mục 3, Điều 5, Lệnh 248). Doanh nghiệp cũng cần chủ động liên hệ với cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn. Sau thời hạn trên, nếu chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm, phải tuân thủ luật pháp và các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc về an toàn thực phẩm, chuẩn bị các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm nhà xưởng, thiết lập hệ thống ghi chép hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc để đáp ứng kiểm tra trước và sau khi đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc. Các doanh nghiệp phải theo dõi sát sao các cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm của hải quan Trung Quốc để có biện pháp phòng hoặc khắc phục kịp thời.