Tận dụng các “vận hội” mới để tăng cường xuất khẩu
Thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế trong nước trong bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động như hiện nay.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC). |
“Trong những năm qua, ITPC tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu hướng tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng. Trong những hoạt động đã triển khai, ITPC xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới sau đại dịch COVID-19, cập nhật các thông tin thị trường và các cơ hội, thách thức mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu và giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam... Với nỗ lực của doanh nghiệp cùng với sự đồng hành của bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của Thành phố sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và của cả nước”, ông Lữ nói.
TP.HCM được ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Thành phố xuất qua cảng của TP.HCM (bao gồm cả dầu thô) trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 44,16 tỉ USD, tăng 10,78% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Alex Tatsis, Trưởng Phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tại diễn đàn. |
Ông Alex Tatsis, Trưởng Phòng Kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết: Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng thích ứng trong nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay và những hoạt động mà chúng tôi đang thực hiện phối hợp với Chính phủ Việt Nam. Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ đang cải thiện khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ trên toàn cầu và là điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng những hàng hóa thiết yếu cho nền kinh tế Hoa Kỳ, từ chất bán dẫn phục vụ sản xuất điện thoại và ô tô đến các tấm pin mặt trời để thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và các liên kết chuỗi cung ứng của chúng tôi với Việt Nam không phải chỉ diễn ra một chiều: Việt Nam nhập khẩu chip máy tính, gỗ cứng, bông và thức ăn chăn nuôi từ Hoa Kỳ để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất chất bán dẫn, đồ nội thất, may mặc và hải sản trong nước. Thương mại hai chiều giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong nước và xuất khẩu sang các thị trường trên toàn thế giới.
“Hoa Kỳ đang giúp củng cố vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều cơ quan, tổ chức khác cũng đồng hành với Chính phủ Hoa Kỳ trong nỗ lực này. Tại Việt Nam, không có đối tác nào tham gia thúc đẩy khả năng phục hồi chuỗi cung ứng mạnh mẽ như cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Việt Nam để đưa Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng, an toàn và bền vững: không tồn tại lao động cưỡng bức, tôn trọng phẩm giá của người lao động và phù hợp với các mục tiêu về khí hậu của toàn cầu. Cả Hoa Kỳ, Việt Nam hay một quốc gia nào khác không thể sản xuất hoặc cung cấp mọi sản phẩm hàng hóa mà họ cần. Chúng ta đang sống trong một thế giới kết nối và việc hợp tác với Việt Nam cũng như các đối tác khác đóng vai trò rất quan trọng để tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Alex Tatsis chia sẻ.