Thận trọng với mua hàng online
Xu hướng tất yếu | |
Bán lẻ đa kênh - xu thế mới |
Ảnh minh họa |
Những năm qua, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nhiều ứng dụng thương mại điện tử được phát triển nhanh chóng, trong đó có công cụ bán hàng trực tuyến. Cùng với đó, sự đa dạng của các trang mạng xã hội cũng là một cơ hội cho những người có “máu kinh doanh” tiếp cận gần hơn với khách hàng. Hiện người bán hàng rất dễ để bán hàng, phân phối hàng hóa cũng như tiếp cận khách hàng thông qua các công cụ như google site, facebook, messenger, sky, zalo, whatsApp…
Tuy nhiên, khi mua hàng, người mua phải hết sức thận trọng, chọn kênh phân phối uy tín, có thương hiệu… nếu không sẽ rơi vào bẫy “treo đầu dê bán thịt chó” của những đối tượng xấu. Thực tế cho thấy không ít người mua đã rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”, mua một đường, người bán hàng gửi một nẻo, hoặc hàng không đảm bảo chất lượng như những lời đường mật quảng cáo.
Đơn cử, mới đây trên trang mạng xã hội facebook lùm xùm việc một người bán hàng có nickname là Mai Khánh Hanq đăng bán sản phẩm hàng hiệu Chanel, nhưng giao hàng không đúng như sản phẩm đã quảng cáo. Ngay khi người có nickname facebook “Mưa Cuối Mùa” đăng bài tố cáo thì ngay lập tức, nhiều người khác cũng nhảy vào chia sẻ việc bị chủ trang facebook có nickname Mai Khánh Hanq lừa với thủ đoạn tương tự.
Facebook này chia sẻ, người bán hàng đăng thanh lý một chiếc túi xách Chanel kiểu đính đá, mình đồng ý mua và thống nhất giá cả. Hai bên thống nhất mua bán theo hình thức ship COD (bên chuyển phát thu hộ tiền bán hàng). Khi nhận hàng, mở ra thì thay vì túi xách, lại là... mấy chiếc áo cũ. Liên lạc lại thì facebook đã bị chặn và khóa tin nhắn; gọi điện thì không liên lạc được.
Cũng trong trường hợp tương tự, vốn là người đam mê hoa lan và sưu tầm lan rừng từ nhiều năm nay, anh Mỹ ở Đà Nẵng khi lên facebook thấy một nickname đăng cây giả hạc (một loại lan rừng) trên trang bán hàng chợ lan rừng. Quá ưng ý với cây lan đã có ý định sưu tầm từ lâu nhưng chưa có cơ hội nên anh Mỹ nói chuyện với người bán qua messenger và thỏa thuận với giá 3,6 triệu đồng.
Theo anh Mỹ, thấy cây lan rất đẹp, ưng ý nên hơi đắt hơn so với giá thị trường nhưng vẫn chấp nhận mua theo hình thức chuyển tiền trước, gửi hàng sau. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chờ 3 ngày không thấy hàng đến anh liên lạc với người bán qua facebook, messenger, điện thoại đều đã bị chặn. Biết bị lừa, nên một mặt đã đăng bài cảnh báo lừa đảo trên các trang hội bán hàng liên quan đến hoa lan để mọi người cảnh giác, tránh gặp rủi ro khi giao dịch.
Mặt khác, anh nhờ bạn làm ở ngân hàng truy tìm địa chỉ, số điện thoại theo tài khoản của người bán cung cấp để chuyển tiền. Sau hai ngày, anh tìm ra số điện thoại của chủ tài khoản nhận chuyển khoản và cảnh báo, nếu không chuyển trả tiền lại thì sẽ làm đơn trình báo công an. Sau đó vài giờ thì người bán chuyển tiền trả, với lý do đã trót bán cho người khác.
Mua hàng qua mạng trên các trang bán hàng trực tuyến như website, google site, facebook, zalo… đang dần thịnh hành với người tiêu dùng internet. Song do khá mới mẻ và còn nhiều kẽ hở nên một số đối tượng lợi dụng hình thức này để lừa đảo người tiêu dùng kiếm lợi.
Vậy nên, người mua đừng vì ham rẻ mà dễ bị các đối tượng lừa đảo đánh lừa, nếu thấy quá chênh lệch với giá thị trường thì càng phải cảnh giác. Đồng thời, nên chọn những địa chỉ có uy tín, theo giới thiệu của những người đã giao dịch trước đó và nên thương lượng với bên bán để được kiểm tra hàng trước khi giao tiền cho nhân viên bưu điện.