Xu hướng tất yếu
Bán lẻ đa kênh - xu thế mới | |
DN ngày càng quan tâm đến TMĐT |
Ảnh minh họa |
Bùng nổ trong thời gian tới
Cuối năm 2016, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu eMarketer đã đưa ra ước lượng về doanh số bán lẻ trực tuyến trong sáu thị trường ở Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Việt Nam sẽ vượt 14 tỷ USD vào năm 2016. Cũng theo eMarketer, Việt Nam là một thị trường bán lẻ trực tuyến có tốc độ tăng trưởng thuộc loại nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo nhận định của kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC), 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sẽ sớm trở thành tâm điểm quốc tế về thương mại điện tử.
Các chuyên gia dự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia này sẽ tăng 34,5 tỷ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỷ USD năm 2013. Nhận định này của CNBC cho thấy Việt Nam đang được đánh giá là thị trường bán lẻ trực tuyến có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thống kê và dự báo của Statistic.com về số lượng người sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2021, cho thấy: năm 2015 số lượng người sử dụng điện thoại thông minh là 20,6 triệu; năm 2016 là 24,6 triệu người; năm 2017 dự đoán đạt 28,5 triệu người và đến 2021 con số này có thể đạt khoảng 41 triệu người.
Báo cáo mới nhất của eMarketer cũng cho thấy, Việt Nam là thị trường bùng nổ của smartphone với hơn 30% dân chúng sử dụng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Thời gian online trên thiết bị di động cũng chiếm tới 1/3 ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Sự phổ cập của Internet, 3G và các thiết bị di động đã chắp thêm sức mạnh cho bán lẻ trực tuyến cất cánh trong thời gian tới.
Như vậy, dự đoán và nhận định của tất cả các hãng nghiên cứu thị trường toàn cầu kể trên đều cho thấy trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn 2017 - 2025 số lượng khách hàng tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Quan trọng hơn là thị trường bán lẻ trực tuyến trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của đa dạng người mua, người bán bao gồm cả tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển thị trường bán lẻ trực tuyến tương xứng với tiềm năng vốn có và vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á.
Cuộc đua gay gắt
Hiện thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang có sự ganh đua mạnh mẽ giữa các DN bán lẻ trong và ngoài nước với nhiều chiến lược kinh doanh mới. Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội TMĐT Việt Nam và không giấu giếm kỳ vọng thu được 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Alibaba và eBay cũng đã nhanh chân tìm được đại diện chính thức, trong khi Amazon và Rakuten đang tiến tới việc thiết lập quan hệ đối tác hoặc mua cổ phần tại các hãng TMĐT Việt Nam.
Một số DN Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang tìm đường đầu tư, có thể thông qua liên kết với một DN TMĐT khác trong nước hoặc tự thực hiện mà đích ngắm đầu tiên của các hãng này trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam chính là chiếm lĩnh thị phần tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Điều này cho thấy cạnh tranh trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ rất gay gắt và quyết liệt giữa các DN với nhau bao gồm cả DN trong nước và DN nước ngoài.
Trong khi đó, theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc, khi mua sắm online không phải người tiêu dùng nào cũng thấy an toàn. Dẫn chứng về vấn đề này, bà Hà cho hay, ở Việt Nam chỉ khoảng 34% người tiêu dùng có sự tin tưởng nhất định khi mua sắm online, còn lại họ đều có lo lắng bị hack khi chuyển tiền qua mạng, cũng như chất lượng, giá cả và chi phí vận chuyển.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trần Hưng - Khoa Hệ thống thông tin Kinh tế và TMĐT - Đại học Thương mại cho biết, thực tế nhiều người tiêu dùng sau khi mua những sản phẩm thiết yếu qua các kênh mua sắm trực tuyến, họ thường xuyên gặp phải tình trạng lừa đảo, hàng nhái hàng giả, do người mua không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất cả tiền cả hàng, không được đổi trả khi sản phẩm không vừa ý… Đó còn chưa kể dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng rất yếu.
Theo TS. Nguyễn Trần Hưng, với sự cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới của thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, việc tiếp tục kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán hàng lừa đảo, dịch vụ kém, hàng hóa không xác định được chất lượng, không thân thiện với môi trường... sẽ đẩy các DN và cá nhân bán lẻ trực tuyến vào con đường diệt vong.
Người tiêu dùng trực tuyến càng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn và trở nên thông minh hơn khi tiếp cận với lượng thông tin không hạn chế thông qua nhiều công cụ khác nhau.
Chính vì vậy, các DN và cá nhân bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam đề cao và thực hiện tốt các vấn đề đạo đức trong kinh doanh trực tuyến, thực hiện hoạt động kinh doanh bền vững, tạo sự lan truyền trong cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến.
Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về hàng hóa khi kinh doanh trực tuyến. Có các phương pháp khác nhau để chứng minh được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng trực tuyến.
Tạo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường hơn trong các hoạt động quảng cáo của DN, bán hàng theo đúng cam kết với khách hàng trực tuyến. Thực hiện giao hàng đúng thời gian, nhanh chóng. Có các phương pháp đổi trả hàng nhanh chóng, thuận lợi cho khách hàng.