Thanh Hoá: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW (Bài 2)
Thanh Hoá: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW (Bài 1) |
Bài 2: Huyện Thiệu Hóa: Tín dụng chính sách - Động lực thay đổi cuộc sống
Cánh cửa mới cho người nghèo
Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tại huyện Thiệu Hóa, chính sách này đã được triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, tạo ra những hiệu quả thiết thực. Trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã và đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách, hầu hết các chương trình được người dân trong huyện đánh giá cao về tính hiệu quả, điển hình như chương trình cho vay hộ nghèo. Các chương trình tín dụng được triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng khu vực, từ cho vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, thủy sản đến cho vay hỗ trợ nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Thiệu Hóa đã đạt 595 tỷ đồng, một con số đáng kể cho thấy sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác tín dụng chính sách. Số vốn này đã giúp hàng ngàn hộ gia đình được tiếp cận vốn vay, tạo điều kiện để họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Chị Hà Thị Nhung đem sản phẩm nem chua Thiên Ân triển lãm |
Chị Hà Thị Nhung, chủ cơ sở sản xuất nem chua Thiên Ân, là một trong những điển hình tiêu biểu. Nhờ khoản vay 120 triệu đồng từ NHCSXH, chị đã đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị Nhung chia sẻ, trước kia hai vợ chồng làm nhiều nghề buôn bán nhưng không thành công. Sau một thời gian đi làm thuê nhiều nơi cuộc sống vẫn chẳng khấm khá.
Đến năm 2015, chị quyết định trở về quê sản xuất nem chua. Trong lúc chưa có tiền đầu tư thì may mắn chị vay được nguồn vốn từ NHCSXH để làm vốn ban đầu sản xuất quy mô nhỏ. Từ đó với sự làm chăm chỉ, chịu khó học hỏi, mở rộng thị trường, nem chua Thiên Ân đã được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đón nhận. Đến nay thị trường tiêu thụ sản phẩm nem chua mang thương hiệu Thiên Ân được mở rộng ra khắp các huyện, thành phố và cả một số đầu mối tại Hà Nội. Năm 2023, chị Nhung tiếp tục vay của NHNSXH 120 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, các thiết bị máy móc hiện đại như máy thái thịt, tủ lạnh, tủ cấp đông, máy hút chân không… để sản xuất quy mô lớn hơn. Đặc biệt, vừa đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa đầu tư mẫu mã, bao bì và chính thức đăng ký thương hiệu nem chua Thiên Ân đạt chất lượng sản phẩm OCOP của huyện Thiệu Hóa. Chị Nhung chia sẻ, được vay vốn kịp thời cùng những chia sẻ về kinh doanh, đăng ký sản phẩm OCOP nên sản phẩm nem chua Thiên Ân ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động tại địa phương. Chị Nhung cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để phát triển lâu dài.
Cơ sở sản xuất bánh cháy Tân Châu tạo việc làm cho hơn 10 lao động |
Tương tự, anh Lê Trọng Hải, chủ cơ sở sản xuất bánh cháy Tân Châu cũng đã thành công nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Từ một gia đình nghèo không có nghề trong tay, sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm làm bánh cháy tại miền Nam, anh Hải đã trở về quê hương vay vốn mở cơ sở sản xuất bánh cháy. Với sản phẩm mới, chất lượng đảm bảo và được khách hàng ưa chuộng, xưởng sản xuất của anh Hải ngày càng mở rộng. Đến nay cơ sở đã đầu tư nhà xưởng, máy móc và các trang thiết bị lên tới hàng tỷ đồng. Lúc cao điểm sản xuất, cơ sở thường xuyên tạo việc làm ổn định cho gần 30 công nhân. Anh Hải chia sẻ, nguồn vốn vay của NHCSXH tuy không lớn nhưng lại rất quan trọng trong lúc khởi nghiệp, là tiền đề để anh đầu tư và phát triển sản xuất quy mô như bây giờ.
Đồng lòng của cả hệ thống chính trị
Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, huyện Thiệu Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thiệu Hóa tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các trưởng thôn, các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như tăng cường công tác quản lý nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm giải ngân cho vay đúng đối tượng, đúng quy định. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Chị Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thiệu Hóa cho biết, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thiệu Hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia vay vốn, hỗ trợ nhiều chị em thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hầu hết các văn bản, chính sách mới về nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đều được triển khai kịp thời đến các tổ vay vốn, hội viên thông qua hệ thống zalo, facebook. Thông qua đó các hội viên có nhu cầu đều được hướng dẫn và vay vốn kịp thời. Hội cũng thường xuyên hỗ trợ hội viên trong việc tư vấn, định hướng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Hiện thị trấn Thiệu Hóa đang quản lý vốn vay là gần 47 tỷ đồng trên 705 hộ vay. Trong đó, riêng Hội Phụ nữ đang quản lý vốn đến nay với tổng số dư nợ là trên 23 tỷ đồng với trên 380 hộ vay. Nguồn vốn vay đều đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích đã đem lại hiệu quả cao cho các hội viên trong việc phát triển sản xuất và vương lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Ngọc Hiểu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa |
Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, ông Nguyễn Ngọc Hiểu, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Nguồn vốn cho vay ưu đãi đãi và đang phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và tạo sự ổn định xã hội, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội để tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm lợi thế tại địa phương; tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành, cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia vào cuộc quyết liệt và đã chủ động cân đối ngân sách để ủy thác qua NHCSXH huyện. Sự tham gia của Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện của Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã tạo thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH, đặc biệt tạo thuận lợi để có thể tháo gỡ những vướng mắc phát sinh tại địa phương. Nhờ sự tham gia và chỉ đạo quyết liệt của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, nguồn vốn của NHCSXH đã được huy động và gia tăng.
Tính đến 30/9/2024 tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt 595 tỷ đồng, tăng 1,9 lần so với thời điểm trước khi Chỉ thị số 40 được ban hành. Trong đó, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách huyện trước Chỉ thị số 40 chưa có, nhưng đến nay đã chuyển 09 tỷ đồng, chiếm hơn 1,5% tổng nguồn vốn của NHCSXH. Nguồn vốn này đã được NHCSXH triển khai cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho nhiều người lao động trên địa bàn; nguồn vốn được sử dụng hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Nợ xấu của NHCSXH huyện chiếm 0,06%. Đây là tỷ lệ thấp. Điều này cho thấy người nghèo và các đối tượng chính sách có tính kỷ luật tài chính rất cao và cũng giúp bảo toàn nguồn vốn của NHCSXH huyện để có thể tiếp tục cho vay nhiều hộ gia đình, nhiều người nghèo hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh những thành công đạt được, việc triển khai tín dụng chính sách tại huyện Thiệu Hóa vẫn còn một số khó khăn. Để hoạt động chính sách phù hợp và ngày càng hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Hiểu mong muốn Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục quan tâm có chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ có mức sống trung bình để sản xuất kinh doanh. Tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn một số chương trình mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu lớn như: nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm, cho vay Nhà ở xã hội, cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội đã và đang trở thành một công cụ hữu hiệu để giúp người nghèo thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Thiệu Hóa. Tuy nhiên, để đạt được những thành công bền vững hơn, cần có sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và người dân.