![]() |
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp? |
![]() |
Thúc đẩy đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp |
![]() |
Tại một Lễ ký kết của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia do TS. Đinh Việt Hoà làm Chủ tịch |
Năm 2016 là thời điểm Ban sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia ra mắt và cũng được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp. Rõ ràng, “khởi nghiệp” giờ đây đang trở thành một “từ khóa” quan trọng đối với không chỉ trong giới doanh nghiệp. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Bất kỳ quốc gia giàu mạnh, hùng cường, thu nhập cao nào trên thế giới đều có một điểm chung là có nhiều doanh nghiệp. Nước Mỹ có 300 triệu người thì có 6,7 triệu doanh nghiệp, bình quân cứ 45 người thì có một doanh nghiệp; Hàn Quốc - đất nước có văn hóa, lối sống tương đồng với Việt Nam có 45 triệu người thì có trên 1 triệu doanh nghiệp; nước Đức với dân số, diện tích bằng Việt Nam có 2,7 triệu doanh nghiệp, tương đương khoảng 40 người/doanh nghiệp… Như vậy, với mẫu số chung đó, để hướng tới mục tiêu tới năm 2045 là quốc gia hùng cường thì tất yếu Việt Nam phải có tỷ lệ người dân/doanh nghiệp tương đương.
Nhận thức sâu sắc điều này, Đảng và Chính phủ đã xác định rõ vai trò của doanh nghiệp đối với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia. Chính vì vậy, năm 2016, lần đầu tiên chúng ta đã có năm Quốc gia khởi nghiệp. Sự kiện này đã tạo ra một cú hích đối với tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm đó đã tăng trưởng kỷ lục, lên tới 110 nghìn doanh nghiệp mới so với bình quân hằng năm trước đây (chỉ khoảng 60.000 doanh nghiệp/năm).
Và năm nay, sau thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19 thì số lượng doanh nghiệp mới thành lập là cực kỳ ấn tượng. Điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam rất mạnh mẽ, phù hợp với chiến lược mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Nhận định của ông về tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam?
Việt Nam có thể coi là miền đất hứa cho lĩnh vực này bởi lẽ, tinh thần khởi nghiệp và khát khao kinh doanh của người Việt rất lớn, như tôi đã nói ở trên. Bên cạnh đó, với thị trường lớn, dân số đã đạt mốc 100 triệu dân, đất nước chúng ta cũng đang trở thành một “bến đỗ” của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Việt Nam luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển. Minh chứng là trong những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp sáng tạo. Chính phủ cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý và các đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để hệ sinh thái khởi nghiệp - sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Có thể khẳng định rằng, Việt Nam với tinh thần, nhiệt huyết kinh doanh và môi trường vĩ mô thuận lợi, luôn luôn đem đến sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài khát khao đến để đầu tư, hợp tác.
Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay? Nguyên nhân của thành công và thất bại?
Trong lịch sử kinh doanh, hầu như chưa có doanh nghiệp nào thành công từ khi bắt đầu mà không vài ba lần thất bại. Thất bại vốn dĩ câu chuyện bình thường của doanh nhân và phải đón nhận việc này như một phần trong hành trình phát triển, là bài học, sự đầu tư trong tương lai. Chính vì thế, rất nhiều quốc gia luôn sẵn sàng đón nhận sự thất bại của doanh nhân.
Khởi nghiệp cũng vậy, luôn phải đối mặt với thách thức, mạo hiểm và cái khó nhất đó là vượt qua được thất bại, đứng lên và làm lại. Làm được như vậy là những doanh nhân đáng được tôn vinh. Vực thẳm không phải là thất bại mà là không trỗi dậy được từ vấp ngã.
Thông thường trên thế giới, 50% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phải đóng cửa trong 5 năm đầu tiên. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có đến 90% là thất bại. Đặc biệt 2022 là một năm vô vàn khó khăn với doanh nghiệp Việt. Mặc dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập là rất lớn (khoảng trên 150 nghìn), tuy nhiên số phải đóng cửa và giải thể cũng xấp xỉ. Theo dự báo, năm 2023 sẽ còn nhiều thách thức hơn. Và tôi tin rằng, những bài học từ sự thất bại sẽ là vô giá đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong bước đường phát triển.
Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp khởi nghiệp thời CMCN 4.0?
Thời kỳ CMCN 4.0 đem lại rất nhiều cơ hội, công nghệ đang phát triển như vũ bão và trở thành trợ lực mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh, tạo ra những lợi thế cạnh tranh rất lớn. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng suất và tận dụng công nghệ phát triển. Nhưng đồng thời, đây cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực...
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là tư duy, có dám thay đổi, dám chấp nhận khó khăn không. Cùng với đó là bài toán nguồn vốn. Doanh nghiệp thiếu tiền giống như một người thiếu máu, khiến họ không tự tin, mất đi những cơ hội…
Để có 1 triệu doanh nghiệp trong giai đoạn 2023- 2025, hay có trên 2 triệu doanh nghiệp để trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045 như Đảng và Chính phủ đề ra thì chúng ta cần làm gì để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có tỷ lệ thành công cao nhất, thưa ông?
Thực tế, trong những năm qua, Đảng và Chính phủ, cùng các bộ, ngành, địa phương đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng đâu đó vẫn còn đang thiếu và còn nhiều bất cập vì nhiều lý do khách quan.
Vì vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở mọi cấp độ, biến khởi nghiệp là việc của toàn dân thông qua một chương trình dài hơi.
Thứ hai là phải coi doanh nghiệp, thương hiệu doanh nghiệp là tài sản quốc gia. Song song với việc tuyên truyền, hướng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của nhà nước thì rất cần định hướng đề cao tính minh bạch của các doanh nghiệp, doanh nhân trong mọi hoạt động.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến nguồn vốn cho doanh nghiệp. Các ngân hàng nên có những nguồn quỹ đặc biệt cho khởi nghiệp sáng tạo, lãi suất vay ưu đãi hơn nữa…
Thứ tư là bảo vệ thị trường cho doanh nhân, tăng cường bảo hộ doanh nghiệp trong nước thông qua việc lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây là một điều hết sức quan trọng. Bởi, một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam là các doanh nghiệp Việt đang mất dần thị trường trên các kênh, từ siêu thị đến các sàn thương mại điện tử. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt khi phải cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Chính vì vậy, các chính sách cần vừa đáp ứng luật pháp quốc tế về tự do thương mại, tự do đầu tư, song cũng cần phải bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, bản thân doanh nhân mới là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, cần tạo ra một môi trường văn hoá doanh nhân với tư duy làm thật, nghĩ thật, với chiến lược dài hơi.
Cùng với đó, cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ cần tiếp tục phát huy khí chất, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, dám đối diện với khó khăn, thách thức, không sợ thất bại. Không ngừng đam mê, dám nghĩ, dám làm để tạo nên những “kỳ lân” tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị này! Nhân dịp năm mới, chúc Chủ tịch sức khoẻ, cống hiến được nhiều hơn cho Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
|
Hạ Chi thực hiện
Nguồn: