Thay đổi chiến lược thị trường để thương hiệu Việt bứt phá
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại diễn đàn |
Chương trình có sự tham dự của đại diện Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và đại diện một số doanh nghiệp tại Việt Nam. Diễn đàn nhằm đưa ra những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm cho các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Từ đó, giúp các doanh nghiệp phát huy năng lực cạnh tranh và nâng cao vị thế của mình.
Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đưa ra quan điểm về lựa chọn chiến lược thương hiệu cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường mới |
Đánh giá tổng quan về thị trường hiện nay, bà Nguyễn Thị Bích Chung, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, chiến lược xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp đang có sự dịch chuyển, trong đó có sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau dịch Covid-19. Theo đó, người tiêu dùng đã quan tâm và sẵn sàng bỏ tiền để có những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho 2 thị trường miền Bắc và miền Nam có sự khác nhau rõ rệt. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) miền bắc tập trung sản phẩm An tâm hưng thịnh thì miền nam chủ yếu phát triển Bảo gia thịnh vượng…
Vì vậy, “Chiến lược thương hiệu luôn cần tôn trọng văn hoá và đề cao gía trị của người dân khu vực đó hướng tới ”, bà Nguyễn Thị Bích Chung nói.
Đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Kantar đưa ra những đánh giá về thị trường trong thời gian qua |
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định, quan điểm về xây dựng chính sách của nước ta hiện nay thì đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử là 1 trong những lĩnh vực ưu tiên.
Theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Toàn cảnh diễn đàn |
Tuy nhiên, “Việc chuyển đổi số không đơn giản, theo 1 số liệu công bố gần đây, tỷ lệ thành công đối với doanh nghiệp chuyển đối số là 30% nhưng lại là xu hướng tất yếu. Nếu doanh nghiệp không quyết liệt ứng dụng công nghệ dù là cơ hội nhưng thách thức tụt lại phía sau cũng rất lớn. Đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền khẳng định.
Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp hiện nay đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số. Bởi, theo dự báo năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh đến vai trò của tư duy, chiến lược và tầm nhìn trong việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
"Đầu tiên, các doanh nghiệp cần làm là thay đổi tư duy thương hiệu, coi thương hiệu là vũ khí để cạnh tranh. Thứ hai là tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo. Mỗi cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp đều là điểm tiếp xúc thương hiệu. Tư duy tầm nhìn mới, chiến lược thương hiệu kết hợp truyền thông - hiện đại, phát huy tinh thần của thương hiệu Việt", ông Vũ Xuân Trường nói.
Theo ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cao cấp Tiki miền Bắc cũng đưa ra định hướng phát triển trong ít nhất 10 năm tới của thương mại điện tử là khai thác thị trường 80 triệu dân ở vùng nông thôn.
Ông Hoàng Quốc Tuyền cho biết, hiện nay thương mại điện tử đang chủ yếu khai thác thị trường thành thị ở một số thành phố lớn nhưng chiếm gần 90% doanh thu. Còn 80% dân số nông thôn chưa tiếp cận được với thương mại điện tử. Đây là nơi mà người dân đang chủ yếu dùng hàng giả, hàng nhái… bệnh tật, các vấn đề sức khoẻ cũng từ đây mà ra.
“Nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể khai thác nông thôn rất tiềm năng này, người nghèo thu nhập thấp vừa được tiếp cận những sản phẩm thật nhất do người Việt làm ra, doanh nghiệp vừa có một thị trường tiếp cận không quá cạnh tranh", ông Quyền nói.