Thế giới có thể tồn tại nếu không có “ngoại giao đô la”?
Hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu
Việc Fed hành động để hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu một năm trước đây đã giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng vì Covid-19 biến thành những hỗn loạn thị trường tài chính. Khi lịch sử về đại dịch Covid-19 được viết ra, sẽ là thiển cận nếu bỏ qua một thực tế là ngoại giao tài chính đã giúp củng cố vai trò trụ cột của đồng USD đối với nền kinh tế thế giới.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ quyết định rằng họ không còn muốn gánh vác những trách nhiệm đi kèm với việc đóng vai trò là “nhà cho vay toàn cầu cuối cùng” (global lender of last resort)? Dù có những câu chuyện hấp dẫn về sự suy tàn của nước Mỹ và vai trò của đồng USD, thế giới thực sự vẫn có rất ít lựa chọn nào có thể thay thế. Tuy nhiên, câu hỏi lớn về sự phụ thuộc của thế giới vào đồng bạc xanh và những rủi ro đạo đức hàm ý đằng sau đó thì vẫn luôn được nhắc đến.
Vai trò của đồng USD và điều hành Fed vẫn tác động rất lớn đến hệ thống tài chính toàn cầu |
Vào cuối tháng 3/2020, Fed đã mở rộng đáng kể nguồn cung cấp đô la cho ngân hàng trung ương (NHTW) các nước. Fed thực hiện điều này bằng cách duy trì và mở mới các dòng hoán đổi thanh khoản bằng USD với 9 cơ quan quản lý tiền tệ (NHTW) của các nước. Trong đó, mở mới gồm: Singapore, Hàn Quốc, Úc và New Zealand và các đường dây hoán đổi hiện có gồm Anh, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, Canada và Thụy Sỹ. Cùng với đó, Fed cũng thiết lập một chương trình cho phép nhiều quốc gia hơn tạm thời có thể trao đổi trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ mà họ đang nắm giữ để lấy về USD.
Giới phân tích cho rằng, nếu thời điểm đó Fed không hành động thì có thể một thảm họa sẽ xảy ra, bởi lúc đó đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến toàn cầu đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài trợ vốn. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 - năm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, các biện pháp của Fed đã nhanh chóng phát huy tác dụng: Tình trạng siết chặt đồng USD cuối cùng đã được ngăn chặn; Chỉ số tiền tệ của các thị trường mới nổi MSCI sau khi chạm đáy vào ngày 23/3/2020 đã có một đợt phục hồi mạnh mẽ trong năm qua.
Bảy thập kỷ sau thỏa thuận Bretton Woods - vốn đã định hình nên kiến trúc tài chính thế giới sau Thế chiến thứ hai và sau đó “chết” đi, ảnh hưởng của đồng USD vẫn tăng lên. “Bất chấp dự đoán rộng rãi rằng thế giới đang phát triển theo hướng hệ thống đa cực hơn, đồng đô la Mỹ cho đến nay vẫn là “đồng tiền neo” quan trọng nhất, đặc biệt khi người ta xem xét sự hội nhập của Trung Quốc và khối Xô - viết cũ”, các chuyên gia Ethan Ilzetski, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff đã viết như vậy trong một bài báo xuất bản năm 2019.
Vai trò chủ đạo của đồng USD sẽ còn kéo dài
Cách thức Hoa Kỳ triển khai chính sách tiền tệ của họ như thế nào cũng mang tính “dẫn đường” rất lớn cho các quốc gia khác. Những nước hưởng lợi chính là các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ. Chẳng hạn, không có NHTW nào trong số 9 NHTW được nhận các dòng hoán đổi của Fed thời điểm tháng 3/2020 là “kẻ thù” của Washington.
Tuy nhiên, có một thực tế là chính trị trong nội bộ Mỹ luôn có thể gây khó khăn cho điều hành của Fed. Dù Fed độc lập trong việc thiết lập chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, nhưng cơ quan này cũng phải luôn “lưu tâm sâu sắc” với các quan điểm từ Quốc hội. Một ví dụ là tại buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thành viên đảng Cộng hòa đối với các đề xuất rót vốn bổ sung (phân bổ mới trong Quyền rút vốn đặc biệt SDR) cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước nghèo. Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Louisiana lo ngại cho rằng, điều này sẽ khiến dòng tiền sẽ chuyển từ những người nộp thuế ở Mỹ sang các đối thủ như Trung Quốc và Nga.
Mặc dù Fed đã điều chỉnh các hành động của mình một cách khéo léo, nhưng thực tế là thế giới có thể đã trở nên quá phụ thuộc vào đồng USD. Điều này được phản ánh trong một bài báo đăng vào tháng 1/2021 vừa qua của Saleem Bahaj, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Anh và Ricardo Reis, giáo sư tại Trường Kinh tế London. "Có phải các ngân hàng đang đầu tư quá nhiều vào các tài sản nước ngoài hoặc phụ thuộc quá nhiều vào vay nợ nước ngoài dẫn đến sự mong manh về tài chính vĩ mô và sự mong manh này lại có thể được giải quyết bằng các dòng hoán đổi?", các tác giả đặt câu hỏi.
Cũng theo 2 chuyên gia này, mặc cho có nhiều nguy cơ nhưng cũng chưa có cách nào để thoát khỏi tình trạng mắc kẹt này. Theo đó, sự thống trị của đồng USD vẫn là thực tế, ít nhất là trong tương lai gần. "Nhân tố nào có thể đi ngược được thực tế đó?", giáo sư Ricardo Reis hỏi. Và chuyên gia này cũng tự đưa ra câu trả lời. Đó là ngay cả khi Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất có được tăng trưởng dương trong năm ngoái và GDP của nước này có thể sẽ vượt qua Mỹ trước cuối thập kỷ này, thì đồng Nhân dân tệ vẫn còn rất xa vời để trở thành đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới. Hơn nữa, cũng không rõ là khi sự cạnh tranh giữa các đồng tiền đóng vai trò dự trữ quốc tế trở nên khốc liệt hơn, thậm chí là chiến tranh lạnh giữa các đồng tiền dự trữ, thì liệu có giúp thế giới ổn định hơn. Và khi hệ thống bốc cháy, bạn sẽ không muốn tranh cãi về loại xe cứu hỏa nào nên lái đến hiện trường hoặc nghi ngờ về việc các ống dẫn nước của nó có phù hợp với họng nước hay không. Trung Quốc đã và đang có những thiết kế chiến lược lớn cho đồng tiền của mình, nhưng khi hệ thống tiền tệ của thế giới bị rạn nứt, bạn sẽ gọi cho ai? Có lẽ vẫn là nước Mỹ - một cường quốc được cho là đã ở vào những năm hoàng hôn (suy yếu).