Thêm nặng những gánh hàng rong
TP.HCM: Tìm chỗ cho người bán hàng rong |
Chị Hiền vẫn ngày ngày miệt mài rong xe hoa qua nhiều con phố để bán hàng |
Đã nhiều năm nay, cứ 7 giờ sáng, bà Trần Thị Hạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại đạp xe chở những gói bỏng ngô ra đường Tạ Quang Bửu bán. Bình thường người qua lại đông đúc, đặc biệt, khách hàng quen của bà là những sinh viên ghé qua mua mỗi ngày. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, các trường đại học đều tổ chức học online, người đi lại cũng ngần ngại dừng lại để mua hàng nên thu nhập của bà giảm sút hơn hẳn so với bình thường.
Hết đứng lại ngồi, đôi mắt bà vừa thiu thiu vì mệt mỏi, lại vừa trông ngóng những vị khách đầu tiên của ngày. “Cả nhà có hai bà cháu nuôi nhau, tôi là lao động chính của gia đình. Cháu tôi đang vào năm học mới, đi vay mượn, sử dụng tiền tích góp bấy lâu chỉ có 2 triệu, vẫn chưa đủ tiền học cho cháu”- bà Hạnh nghẹn ngào kể.
Cũng vào hoàn cảnh ấy, dắt chiếc xe đạp chở hoa bán trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), chị Nguyễn Thu Hiền cho biết, hiện tại chị chỉ mong bán đủ để trả tiền thuê trọ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Trước kia khi chưa có dịch, ngày ngày chị dậy sớm, đi lấy hoa từ 3 giờ sáng tại chợ đầu mối để được giá rẻ hơn. Sau đó chị sẽ dong xe khắp các con đường như Yên Phụ, Từ Hoa, Thanh Niên… để bán.
“Trước dịch, mỗi ngày bán cũng được 100 - 200 nghìn đồng. Vào những ngày lễ, thu nhập có thể cao hơn. Tuy nhiên vài tháng gần đây, do bệnh dịch nên các hoạt động lễ hội đều cắt giảm, người dân cũng không mua hoa nhiều như trước, có những ngày chỉ bán được 1,2 bó rồi lại đem về”, chị Hiền cho biết.
Là trụ cột chính trong gia đình có hai con đang trong tuổi đến trường, anh Nguyễn Văn Đức (Đống Đa, Hà Nội) phải bắt đầu chở những thùng tào phớ, tủ đựng bánh trôi đi bán từ sáng sớm. Anh đi từ nhà lên phố đi bộ quanh Hồ Gươm, sau đó dọc đường Hai Bà Trưng, Lê Duẩn để bán hàng. Tuy không lãi nhiều nhưng theo anh Đức, nếu chăm chỉ đi cả ngày, thu nhập của anh cũng đủ lo tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, vừa qua do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 2, Hà Nội quyết định tạm dừng hoạt động của phố đi bộ Hồ Gươm, anh Đức đã mất một địa điểm bán hàng quen thuộc.
“Trước đây, tôi bán chính là ở phố đi bộ Hồ Gươm do có nhiều bạn trẻ lui tới. Tôi bán tào phớ còn vợ ngồi bán đồ chơi, thu nhập của hai vợ chồng cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Kể từ khi phố đi bộ ngừng hoạt động, tôi tìm địa điểm khác để bán nhưng cũng thưa thớt người mua, còn vợ tôi phải đi rửa bát thuê chờ phố đi bộ hoạt động trở lại”, anh Đức chia sẻ.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm từ lâu đã trở thành một địa điểm bán hàng quen thuộc của nhiều gánh hàng rong, vào mỗi dịp cuối tuần, nơi đây lại nhộn nhịp, tấp nập dòng người đổ về nên hoạt động buôn bán cũng vì thế mà sôi động. Thế nhưng do dịch Covid-19, thay vì được ngồi một chỗ để bán hàng, những người bán hàng rong giờ đây phải tỏa đi khắp các con phố vắng vẻ, khiến cuộc sống đã vất vả nay càng khó khăn hơn.
Không chỉ những gánh hàng rong, nhiều người làm các công việc khác nhau cũng đang trong tình cảnh “lao đao” vì dịch. Trên con phố Vũ Xuân Thiều (Long Biên, Hà Nội), khi mọi nhà đã lên đèn, chị Nguyễn Thu Trang vẫn ngồi trong salon làm tóc của mình, nhưng với khá nhiều mặt hàng như quần áo, hoa quả, bánh kẹo xung quanh. Theo chị Trang, kể từ sau đợt dịch thứ hai, chị đã tham gia vào các hội, nhóm trên Facebook tìm đầu mối lấy buôn hoa quả, bánh kẹo, quần áo để bán.
“Vì kinh tế suy giảm, nhu cầu làm đẹp giảm rất nhiều, tôi buộc phải xoay sang bán hàng online để có thêm thu nhập trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng, cầm cự đến khi dịch qua đi”, chị Trang cho biết.
Bên cạnh salon tóc của chị Trang là cửa hàng cho thuê rạp đám cưới của chị Nguyễn Thị Hoan. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, tất cả các đám cưới hầu như đều hoãn, vốn liếng của chị Hoan đầu tư cho bàn ghế, rạp, bát đũa đều chưa hoàn lại được. Chị Hoan cho biết, trong thời gian này, chị tiếp tục dùng những đồng vốn cuối cùng của mình để thuê mặt bằng mở bán gạo. Tuy nhiên, các quán ăn, cửa hàng cũng không còn nhập nhiều gạo, chị Hoan một lần nữa lại rơi vào tình cảnh khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên, nhiều người hành nghề tự do như rửa bát thuê, dọn dẹp nhà theo giờ… cho biết cũng bị giảm sút phần lớn thu nhập vì dịch. Chị Hà Thị Hoa (Hưng Yên) cho biết, chị dự định sẽ về quê chờ hết dịch thay vì bám trụ lại Hà Nội.
Theo chị Hoa, trước đây chị nhận rửa bát thuê, giúp việc theo giờ để lấy tiền gửi về quê nuôi con ăn học, thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 7 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, vài tháng gần đây các nhà hàng chị hay rửa bát thuê đều cắt giảm nhân viên hoặc đóng cửa tạm thời, công việc giúp việc theo giờ cũng thưa thớt. Gánh nặng tiền thuê trọ và ăn uống hằng ngày vẫn đè lên đôi vai chị trong khi thu nhập không đáng bao nhiêu, chị Hoa cho biết sợ cố bám trụ lại sẽ không đủ tiền ăn.
Cũng giống như chị Hiền, chị Hoa, anh Đức… những gánh hàng rong trên phố vẫn đang vất vả mưu sinh trong mùa dịch để có thu nhập trang trải cuộc sống. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng thế nhưng điểm chung giữa họ ngay lúc này đó chính là đôi quang gánh trên vai sẽ thêm phần nặng nề hơn vì những khó khăn mà dịch bệnh gây ra.