Làm gì để giá tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn?
Việt Nam thu hơn 1.000 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon Nghiên cứu thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon |
Cơ hội lớn từ thị trường tín chỉ carbon
Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD (5 USD/tín chỉ). Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường vốn giàu tiềm năng này.
Cơ hội là vậy nhưng TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế tài chính và Tài nguyên môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tín chỉ carbon là sản phẩm phi vật lý, có tính thời lực, nếu đến thời điểm mà không bán được thì sẽ không còn giá trị. Hiện có 3 nguồn tài chính chủ yếu cho tín chỉ carbon dựa trên các kết quả lâm nghiệp, đó là thanh toán dựa trên kết quả (giống như nhà tài trợ), thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ. Việt Nam chủ yếu tham gia thị trường carbon tự nguyện. Dạng này dễ tham gia nhất, có thời gian định mức đánh giá, nếu quá hạn thì hệ thống sẽ tự động đưa tín chỉ carbon về 0.
Tại thị trường bắt buộc, hiện nay Việt Nam chưa thể tham gia, dù đây là nơi giao dịch chính của nhiều quốc gia, vì thiếu nhiều yếu tố, trong đó có các ký kết song phương, do đó Việt Nam chưa thể bán mỗi tín chỉ carbon với giá cao hơn nhiều, TS. Trần Đại Nghĩa cho biết.
Tìm hướng đến thị trường toàn cầu
Bàn về giá 5USD/tín chỉ carbon là đắt hay rẻ, TS. Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường, hình thức hình thành tín chỉ carbon và còn phụ thuộc vào các khoản đầu tư. Với carbon từ dừa và rừng thì không có nhiều chi phí đầu tư nên sau khi tính toán chỉ ra giá 5-10 USD/tín chỉ. Các tín chỉ carbon từ rừng trên thế giới cũng chỉ bán được giá đó, có nơi thấp hơn như tín chỉ carbon của rừng Amazon chỉ bán có 1,5 USD/tín chỉ.
Do vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam muốn giá tín chỉ carbon cao hơn cần có những thay đổi về thị trường mục tiêu. Trước hết, có thể học tập kinh nghiệm của một số tập đoàn lớn trên thế giới khi tổ chức và thiết kế hệ thống trao đổi hạn ngạch (ETS) nội bộ trước khi tiến ra thị trường quốc tế và thực hiện mua bán. Đơn cử Tập đoàn dầu khí BP từ Vương quốc Anh, đã tổ chức và thiết kế hệ thống ETS nội bộ đầu tiên và thực hiện các giao dịch ETS nội bộ từ năm 2000. Đến nay, tập đoàn này tiếp tục cải tiến, thực hiện phân bổ hạn ngạch theo quý với các đơn vị thành viên, thúc đẩy việc giảm phát thải. Sau khi áp dụng, thực hiện thành công hệ thống ETS nội bộ, Tập đoàn BP mới tiến hành các giao dịch tín chỉ carbon ra bên ngoài.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viện Tín chỉ carbon, cho biết, tại Việt Nam, hiện nay số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này còn hạn chế do mới gia nhập thị trường và phụ thuộc nhiều vào công nghệ và nguồn lực từ nước ngoài. Vậy nên việc đào tạo đội ngũ môi giới chuyên nghiệp là khá cấp bách. Đặc biệt, việc trang bị kiến thức cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý về cơ chế hoạt động của thị trường carbon quốc tế là cực kỳ quan trọng. Đào tạo về các cơ chế thị trường carbon, bao gồm cả các hệ thống tín chỉ tự nguyện và bắt buộc, sẽ giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về quy trình và yêu cầu, từ đó có thể tham gia hiệu quả hơn vào thị trường toàn cầu.