Thị trường mì ăn liền “hút” nhà đầu tư ngoại
Ảnh minh họa |
Với dân số hơn 90 triệu người, nhu cầu và thị hiếu đối với sản phẩm mì ăn liền khá đa dạng, đang thực sự tạo nên một thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nước ngoài, nhất là các quốc gia được mệnh danh là xứ sở của mì ăn liền như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc....
Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại thị phần mì ăn liền của CTCP Acecook Việt Nam (Vina Acecook) có sự sụt giảm từ 51,2% xuống còn 43%, nhưng theo nhận định của các chuyên gia trong ngành đây vẫn là công ty Nhật Bản thành công nhất trong ngành công nghiệp sản xuất mì ăn liền tại thị trường Việt Nam.
Hiện, Vina Acecook đang có mức độ “phủ sóng” rộng khắp tại tất cả các kênh siêu thị, chợ truyền thống và đạt mức khoảng 90%, thông qua 300 đại lý cấp 1 và 4 chi nhánh kinh doanh ở miền Bắc, Trung, Nam. Vina Acecook đầu tư 10 nhà máy sản xuất mì trải rộng toàn quốc tại các khu vực trọng điểm. Việc có nhiều nhà máy cho thấy sự lớn mạnh của DN, đồng thời giúp Vina Acecook cho ra đời những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng ở từng vùng miền.
Cùng với đó, Vina Acecook có thể tiết giảm chi phí vận chuyển, phân phối, sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh và tiết kiệm thời gian, chi phí. Đây cũng là yếu tố giúp các thương hiệu Hảo Hảo, Đệ Nhất và Lẩu Thái... của DN Nhật Bản này vượt xa các đối thủ về số lượng tiêu thụ. Riêng sản phẩm mì Hảo Hảo đang đóng góp khoảng 50% doanh thu cho DN và chiếm tới 24% thị phần trên nhu cầu của toàn thị trường.
Thời gian tới, định hướng của Vina Acecook là nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm mì gói sản xuất tại Việt Nam từ 8% hiện nay lên 10% và đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” xuất khẩu mì gói Acecook ra thị trường thế giới. Hiện nay, bình quân Acecook Việt Nam sản xuất 2,8 tỷ gói mì/năm, trong đó 8% sản phẩm dành cho xuất khẩu đi 47 quốc gia, vùng lãnh thổ...
Mới đây nhất, Công ty Nissin Foods cho ra đời một sản phẩm mì ly mới Cup Noodles mang hương vị đặc trưng ramen dành cho đối tượng trung lưu, với giá bán từ 12.000đ - 15.000đ/ly. Dù có mặt ở thị trường Việt Nam chưa lâu, nhưng “đại gia” mì ăn liền của Nhật Bản cũng đã kịp xây nhà máy quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 41 triệu USD để tiến sâu vào Việt Nam.
Đại diện của DN cho biết, dù thời điểm hiện tại mức độ cạnh tranh đối với thị trường mì ăn liền Việt Nam khá lớn khó có sự tham gia của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn nhiều dư địa, đặc biệt đối với những sản phẩm có “gu” mới lạ, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trẻ.
Tương tự, thị phần mì ăn liền không chỉ nằm trong “tầm ngắm” các DN Nhật Bản, nhiều DN đến từ xứ sở kim chi Hàn Quốc cũng cho thấy rõ tham vọng thâm nhập thị trường mì ăn liền tại Việt Nam.
Thông qua các cuộc xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều hãng sản xuất hàng tiêu dùng, đồ thực phẩm, thức ăn nhanh đã nói rõ nhu cầu tìm đối tác trong nước phân phối các sản phẩm mì gói, mì ly hương vị hấp dẫn, có mức giá lên đến 20.000 - 30.000đ/sản phẩm. Sau đó, nếu thị trường chấp nhận, những DN này sẽ tính đến kế hoạch mở công ty, nhà phân phối hoặc xây dựng nhà máy tại KCN nước sở tại để giảm chi phí giá thành sản phẩm.
Trước sự chiếm lĩnh và bao sân thị trường mì ăn liền của những thương hiệu ngoại tại Việt Nam. Những DN trong nước như Công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan (Masan Consumer), CTCP Thực phẩm Á châu (Asia Foods)... đã không chịu khoanh tay khi dần vươn lên nắm giữ lần lượt 22% và 12% thị phần mì ăn liền trong nước. Phần còn lại vẫn là cuộc “giằng co” của một số DN nội như Việt Hưng, Kinh Đô, Vifon, Colusa...
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù trước mắt cục diện thị phần đã có sự thay đổi và phân chia lại, song liệu thời gian tới các DN sản xuất mì ăn liền trong nước có “lật ngược được thế cờ” và xây dựng chiến lược dài hơi để lĩnh vực nhiều tiềm năng trị giá nhiều tỷ đô này không nằm gọn trong tay các đối thủ cạnh tranh ngoại vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác, mà quan trọng là phụ thuộc vào sự nỗ lực của các DN trong nước.