Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một trước nguy cơ đổ vỡ
Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật giám sát các công ty Trung Quốc | |
Trung Quốc công bố miễn trừ thuế cho 79 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ | |
Thế giới lại quay cuồng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung |
Căng thẳng gia tăng
Đổ lỗi lẫn nhau về đại dịch Covid-19 đang khiến căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, đe dọa phá vỡ những gì đã cam kết trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”. Covid-19 đã đè nặng lên cả hai quốc gia này, đẩy các nền kinh tế này vào những suy thoái sâu nhất trong nhiều thập kỷ và khiến hàng chục triệu việc làm bị mất đi. Trong khi Trung Quốc tuyên bố đã qua khỏi thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch thì cả thế giới còn lâu mới có được sự phục hồi có ý nghĩa. Những đe dọa áp đặt thuế quan mới đối với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump gần đây - và những “bóng gió” từ phía Bắc Kinh về việc có thể hành động trả đũa càng làm cho tình hình phức tạp hơn.
Những căng thẳng thương mại mới đang trở nên gay gắt |
"Rõ ràng, những căng thẳng thương mại mới đang ở thời điểm không thể tồi tệ hơn", các chuyên gia kinh tế của tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global đưa ra nhìn nhận trong báo cáo mới đây. "Mối đe dọa về thuế quan cao hơn và một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ gia tăng có thể làm gián đoạn thương mại và đầu tư công nghệ, cũng như làm suy giảm những gì vẫn hứa hẹn sẽ là động lực cho phục hồi trong năm 2020".
Ngay cả trước khi dịch Covid-19 trở thành đại dịch, thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” giữa hai cường quốc đạt được vào tháng 1vừa qua cũng đã rất mong manh. Thỏa thuận này chỉ giảm một số mức thuế mà mỗi bên đã đặt ra, đồng thời cho phép Bắc Kinh tránh bị thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá gần 160 tỷ USD. Bù lại, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong năm nay và năm tới. Đây là một yêu cầu quá cao mà Trung Quốc khó có thể thực hiện ngay cả khi không có sự xuất hiện của Covid-19. Bởi cam kết đó có nghĩa là Trung Quốc phải nhập khẩu hàng năm ở mức nhiều hơn cả trước khi CTTM nổ ra. Thời điểm tháng 1 vừa qua, các nhà phân tích đã xem thỏa thuận này là một "thách thức cao" với Trung Quốc trừ khi họ chấp nhận hy sinh. "Các cam kết mua hàng hóa trong thỏa thuận “giai đoạn một” vốn đã không thực tế, và bây giờ thì là không thể", David Dollar, viện sỹ nghiên cứu cao cấp của Viện Brookings nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế của S&P, để thực hiện được các điều khoản của thỏa thuận này Trung Quốc sẽ phải tăng nhập khẩu từ Mỹ ở mức hơn 6% mỗi tháng trong hai năm. Thay vào đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm 6% trong bốn tháng đầu năm 2020. "Với nhu cầu tiêu dùng giảm, Trung Quốc không có khả năng sẽ thực hiện được cam kết mua nhiều hàng hóa Mỹ hơn", Alex Capri, chuyên gia thương mại tại Đại học Kinh doanh Quốc gia Singapore, nói. “Hoặc, nếu họ vẫn giữ cam kết... họ sau đó sẽ bội ước vì sức cầu không thể đáp ứng được”.
Trong khi đó, ông Trump cũng không có tới hai năm (năm nay và năm sau) để biết xem liệu Trung Quốc có tôn trọng thỏa thuận của mình hay không. Bởi trước mắt là cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới. Và theo các nhà phân tích, đây chính là lý do cho những chỉ trích ngày càng khắc nghiệt của ông đối với Bắc Kinh. "Hãy nhìn xem, tôi đang có một thời gian rất khó khăn với Trung Quốc", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào thứ Sáu tuần trước với chương trình “Fox và những người bạn” và cho biết, cảm nhận về thỏa thuận này giờ rất khác so với 3 tháng trước, theo hướng bớt ý nghĩa hơn.
Trung Quốc sẽ giữ hay từ bỏ cam kết?
Trong chia sẻ với CNN Business, nhiều chuyên gia tin rằng, các quan chức kinh tế và thương mại ở Bắc Kinh vẫn muốn thực hiện các cam kết trong thỏa thuận "giai đoạn một". Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He trong nói chuyện gần đây với các quan chức thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, vẫn khẳng định về việc cần tạo ra một "môi trường thuận lợi" triển khai thỏa thuận này.
Nhưng thách thức của Bắc Kinh không chỉ là tôn trọng những cam kết rất khó khả thi trong thỏa thuận, mà đại dịch Covid-19 - với những tranh cãi gay gắt về nguyên nhân cũng như những hành động liên quan đến chống dịch và trách nhiệm của các bên. Và điều này càng khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể đáp ứng các cam kết đã đưa ra.
Đó là chưa kể, nếu như ông Trump ban hành thêm các sắc lệnh thuế quan cao hơn với hàng hóa Trung Quốc “để trừng phạt Trung Quốc vì để đại dịch này lây lan” như ông đã tuyên bố gần đây, hay việc chính quyền Mỹ có thể đưa ra những quy định hạn chế hơn nữa khả năng hợp tác của Huawei với các công ty Mỹ... Và tất nhiên khi Mỹ hành động như vậy, cũng sẽ khó tránh khỏi các động thái trả đũa từ phía Trung Quốc, theo cách “ăn miếng, trả miếng”.
Tuy nhiên theo chuyên gia Malcolm McNeil, đối tác của Công ty Luật Arent Fox, Bắc Kinh sẽ chọn cách tiến lên. Tức là Trung Quốc sẽ và cần phải xử lý các vấn đề thương mại một cách "tinh tế". Bởi trong bối cảnh đại dịch hiện nay, nếu Trung Quốc lại “thoái lui” những cam kết đưa ra trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” sẽ càng làm xấu đi trong thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc.
Còn nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, tranh chấp có thể biến thành một cuộc xung đột lớn hơn thì điều đó không chỉ làm suy yếu sự phục hồi của kinh tế toàn cầu thế giới từ Covid-19 mà còn có nguy cơ làm chậm các đổi mới công nghệ quan trọng. Theo dự báo của IMF gần đây, kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ suy thoái ở mức 3% trong năm nay, sự sụt giảm sâu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Khả năng phục hồi sau đó là không chắc chắn và có thể mất nhiều năm. Trong khi đó, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch này, các chuyên gia đã cảnh báo mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kìm hãm sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và mạng di động 5G. Điều đó sẽ làm chậm lại và gây hại cho thế giới.