Thế giới lại quay cuồng vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung gặp khó | |
Sự bùng phát của coronavirus còn gây chia rẽ Mỹ - Trung hơn là chiến tranh thương mại | |
Thương chiến Mỹ - Trung: Chuyện chưa hồi kết |
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại nóng
Theo các nhà phân tích, việc xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trong tháng 4 có thể là “giọt nước tràn ly” để căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát. Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Trung Quốc kim ngạch xuất khẩu tính bằng đồng đôla của Trung Quốc tăng 3,5% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm tới 6,6% trong tháng 3. Nói bất ngờ là bởi các nhà kinh tế dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm mạnh tới 15,7% trong tháng vừa qua.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 14,2%, mạnh hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia là chỉ giảm 11,2%. Vì thế thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt tới 45,34 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, cao hơn nhiều con số thặng dư 6,35 tỷ USD mà giới chuyên gia ước tính.
Ông Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn một với ông Tập |
Theo Alexander Treves - Giám đốc kiêm chuyên gia đầu tư chứng khoán của các thị trường mới nổi và châu Á - Thái Bình Dương của Công ty quản lý tài sản JPMorgan, sự tăng mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc là “rất, rất đáng ngạc nhiên”. “Điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc có thể hoạt động tốt hơn những gì mà mọi người có thể nghĩ. Nhưng mặt khác, tôi lập tức muốn xem con số thặng dư thương mại với Mỹ sẽ như thế nào”, Treves nói.
Theo vị chuyên gia này, “nếu như Mỹ chứng minh được rằng những con số xuất khẩu này cho thấy Trung Quốc được hưởng lợi không công bằng so với kỳ vọng từ tình hình hiện tại, thì điều đó có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng thương mại”.
Trên thực tế, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có dấu hiệu nóng lên trong những ngày gần đây liên quan đến đại dịch coronavirus. Các quan chức Mỹ đã nêu ra ý tưởng tái khởi động việc áp thuế đối với Trung Quốc để buộc nước này "chịu trách nhiệm" về những thất bại trong cách ứng phó với Covid-19, khiến dịch lây lan ra bên ngoài đại lục.
Phát biểu tại cuộc phỏng vấn ngày 3/5 mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đe dọa có thể chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc và áp thuế lên 1.000 tỷ USD hàng hóa của nước này như là “hình phạt cuối cùng” đối với Trung Quốc.
Rủi ro gia tăng
Kinh tế thế giới đã chao đảo trong hai năm 2018 – 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Mây mù bao phủ kinh tế toàn cầu chỉ tan đi phần nào khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1 năm nay.
Theo đó, Mỹ đồng ý ngưng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và giảm một nửa mức thuế nhập khẩu xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác xuất xứ Trung Quốc. Song, chính quyền ông Trump vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Đổi lại, Trung Quốc cam kết trong vòng 2 năm sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với năm 2017, bao gồm cả lượng nông sản trị giá 40 tỷ USD.
Thời điểm đó, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trở lại, tăng trưởng 3,3% trong năm 2020 từ mức 2,9% của năm 2019. Tuy nhiên đại dịch coronavirus bùng phát lại một lần nữa nhấn chìm kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố hồi tháng 4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn -3% trong năm nay, giảm tới 6,3 điểm phần trăm so với dự báo mà tổ chức này đưa ra trước đó 3 tháng.
Hiện đại dịch vừa có dấu hiệu đạt đỉnh tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và nhiều dự báo cho rằng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi trở lại từ quý III năm nay. Thế nhưng rủi ro một lần nữa lại ập đến khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nóng trở lại. Lẽ đương nhiên, các thị trường chứng khoán, vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, sẽ chịu tác động sớm nhất.
Theo Timothy Moe – Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô châu Á kiêm Trưởng bộ phận chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs, sự nóng lên gần đây trong căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế là một biến số mang lại nhiều rủi ro mới cho thị trường.
Moe cho biết, chỉ số đo lường giá thị trường của rủi ro thương mại Mỹ - Trung Quốc cho thấy thị trường “đang bắt đầu định giá một số lo ngại về xung đột Mỹ - Trung Quốc về các vấn đề như thương mại hoặc các nỗ lực trả đũa tiềm năng đối với coronavirus”. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một yếu tố và nó có thể trở thành một vấn đề lớn hơn đối với các thị trường và có khả năng sẽ tác động mạnh đến việc định giá thị trường trong ngắn hạn”.
Ray Farris - Giám đốc đầu tư khu vực Nam Á của Credit Suisse cho rằng, đó là một sai lầm về mặt chính sách và nó sẽ giáng một đòn chí tử vào nền kinh tế và các thị trường vốn cổ phần hoàn toàn không thích điều đó. “Theo suy nghĩ của tôi, với tình hình ở Mỹ, cần phải phục hồi kinh tế, cần phải nỗ lực tiếp tục hỗ trợ sức mạnh thị trường vốn”, Farris nói.