Thời cơ vàng cho kinh doanh trực tuyến
Đi siêu thị bằng cú “click chuột”
Thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Phần nhiều trong số đó là những bất lợi, tiêu cực. Tuy nhiên, trái ngược với nhiều lĩnh vực khác, thì việc kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử lại có những cơ hội để phát triển ngay giữa mùa dịch.
Tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm của rất nhiều người. Do lo ngại về những nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan ở những nơi đông người như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... nên nhiều “thượng đế” đã chuyển sang việc mua sắm trực tuyến, thanh toán online thay vì phải trực tiếp đi mua hàng. Bà Chu Thị Quỳnh, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) chia sẻ, với việc hạn chế ra ngoài tiếp xúc với nhiều người trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thì mua sắm online vẫn được bà và nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Bởi, sự an toàn và những tiện lợi của dịch vụ này mang lại.
Kinh doanh trực tuyến góp phần hạn chế sử dụng tiền mặt |
Nắm bắt cơ hội, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nên từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, đến các DN, siêu thị lớn cũng đã và đang đẩy mạnh việc kinh doanh trực tuyến. Ông Trần Thanh Hưng, chủ một cơ sở kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, đặc sản của Nghệ An tại TP. Đà Nẵng như, chả bò, chả heo, nếp cẩm, măng tươi... cho biết, những ngày đầu xuất hiện Covid-19, việc buôn bán trực tiếp tại cửa hàng rất khó khăn, do các khách hàng ngại việc đi lại, tiếp xúc... Tuy nhiên, sau đó có người mách nước, nên cơ sở đã đẩy mạnh việc bán hàng bằng kênh trực tuyến như zalo, facebook và giao hàng trực tiếp ngay tại nhà. Kết quả rất bất ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn nhiều người đã theo dõi và đặt mua qua mạng. Tưởng chừng sẽ rất khó khăn với đại dịch, song việc thay đổi phương án kinh doanh, cụ thể là bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi đã đem lại doanh thu kha khá cho cơ sở ngay trong thời điểm khó khăn giữa mùa dịch.
Quy mô lớn hơn, cũng tại Đà Nẵng trong thời điểm Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử cũng đang được xem là “cứu cánh” cho các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Trên thực tế, đến nay hầu hết các hệ thống siêu thị như, Co.opmart, Big C, Vinmart hay các cửa hàng tiện lợi như Vinmart+... đều đã đẩy mạnh bán hàng online. Điều này, giúp các đơn vị duy trì được hoạt động kinh doanh, bù đắp phần nào việc sụt giảm doanh số bán hàng trực tiếp... Theo đại diện siêu thị Big C Đà Nẵng, để thích ứng với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhất là thời gian thực hiện lệnh giãn cách xã hội, đơn vị đã tăng cường hoạt động bán hàng qua điện thoại, qua mạng và giao hàng tại nhà. Qua đó, hình thành nên được một nhóm khách hàng thường xuyên mua sắm thông qua hình thức trực tuyến. Tương tự, ông Phan Thống - Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, người tiêu dùng chỉ cần đi siêu thị, bằng một cuộc điện thoại hoặc “click chuột”, chúng tôi sẽ giao hàng tận nơi. Ngoài đặt hàng qua số hotline, khách hàng của Co.opmart có thể mua hàng qua trang facebook của Co.opmart hoặc đặt hàng qua zalo (theo số điện thoại đường dây nóng). Nhân viên của siêu thị sẽ xác nhận đơn hàng và giao hàng tận nơi...
Chữ “tín” với người tiêu dùng
Ngoài xu hướng tiêu dùng thay đổi, càng thuận lợi hơn cho các DN khi chính quyền các địa phương cũng rất khuyến khích việc phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... Đơn cử, ngay trong thời điểm Covid-19, diễn biến phức tạp chính quyền TP. Đà Nẵng đã kêu gọi các DN tăng cường giải pháp bán trực tuyến, bán qua điện thoại đặt hàng để phục vụ nhân dân nhằm hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp; đồng thời góp phần hạn chế việc sử dụng tiền mặt... Và có thể, sau khi Covid-19 bị đẩy lùi, mảng bán hàng trực tuyến sẽ tiếp tục được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Tại TP. Đà Nẵng, để góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn thành phố phát triển, Sở Công thương thành phố đã phối hợp các ngành chức năng cho ra mắt sàn thương mại điện tử Đà Nẵng có địa chỉ danangtrade.com.vn/danangtrade.gov.vn. Qua hơn hai năm hoạt động, hiện có khoảng 9.000 DN đăng ký tham gia tại sàn, trong đó, khoảng 75% là DN tại Đà Nẵng. Theo Võ Văn Khanh - Phó giám đốc Công ty cổ phần VietNamtrade (đơn vị quản lý và vận hành sàn thương mại điện tử Đà Nẵng), thói quen của người tiêu dùng đang có những thay đổi rõ nét khi họ trở nên kén chọn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, nhất là quan tâm nhiều đến sản phẩm sạch. Bởi vậy, đơn vị đã làm việc với các siêu thị, siêu thị mini, các đơn vị cung ứng sản phẩm sạch để tăng cường quảng bá trên sàn; đáp ứng nhu cầu mua sắm online ngày càng nhiều trên thực tế.
Trong khi đó, nhìn rộng ra cả nước theo số liệu của đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), 5 năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh với tốc độ 25 - 30%/năm với 80% khách hàng đã từng mua hàng online. Khảo sát mua sắm trực tuyến hiện cho thấy, mua sắm quần áo 24%; mua hàng cá nhân 21%; mua hàng điện tử 18%; mua vé máy bay, xem phim 17%... Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD...
Bởi vậy, có thể nói không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh, DN vượt qua những khó khăn do Covid-19 gây ra, việc đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử có thể sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhiều người tiêu dùng cũng đã thay đổi thói quen mua sắm của mình, xu hướng mua sắm online đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, để kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử thực sự phát triển rất cần sự chữ “tín”. Trên thực tế, hiện nay phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn chỉ mua hàng giá rẻ khi mua hàng online bởi vẫn chưa thực sự tin tưởng vào loại hình giao dịch này.
Cũng theo bà Chu Thị Quỳnh, mặc dù rất thích mua hàng trực tuyến song nhiều lúc cũng phải chấp nhận rủi ro. Bởi, hạn chế của việc mua hàng trực tuyến là không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm, chất lượng nên nhiều khi sản phẩm không được như kỳ vọng... Điều này cho thấy, niềm tin của khách hàng đối với các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến vẫn còn khá mong manh. Bởi vậy, để có được lòng tin với khách hàng và có thể trụ vững trên thị trường, các DN kinh doanh online cần thực sự chân thành, tạo được chữ “tín” với người tiêu dùng. Trong đó, các đơn vị phải thực sự quan tâm đến mẫu mã, chất lượng của các sản phẩm. Để người tiêu dùng thực sự yên tâm “chọn mặt gửi vàng”.