Thời liên doanh kinh tế tư nhân
Động lực phát triển kinh tế tư nhân | |
Phát triển kinh tế tư nhân: Thay đổi để hội nhập |
Sau khi khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất ô tô, giờ đây Thaco đã vươn sang lĩnh vực nông nghiệp |
Hợp tác đa ngành ngày càng phổ biến
Tháng đầu năm 2020, Công ty cổ phần Thadi thành viên của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) đã đầu tư vào Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) với tỷ lệ 35% cổ phần và tập trung hàng ngàn tỷ đồng để liên doanh với doanh nghiệp thủy sản hàng đầu này trong mảng sản xuất heo (lợn) giống.
Với hợp tác đình đám này, ngay trong năm nay liên doanh Thadi-HVG đặt mục tiêu tạo ra khoảng 1 tỷ USD doanh thu. Nếu tính cả phần hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), trong năm nay Thadi kỳ vọng sẽ tạo ra 1,55 tỷ USD doanh thu trong lĩnh vực chăn nuôi bò và heo, tương đương khoảng 4% tổng doanh thu xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Câu chuyện hợp tác của Thadi với HVG thực tế đã tạo nên một cú hích khá lớn cho thị trường chăn nuôi tại Việt Nam, bởi trong năm 2020 Luật Chăn nuôi sẽ chính thức có hiệu lực và sản lượng heo vẫn được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm.
Nếu liên minh Thadi và HVG phát triển mạnh mô hình Feed-Farm-Food (3F) thì cơ hội để thống lĩnh thị trường chăn nuôi quy mô lớn trong vòng 3-4 năm tới là hoàn toàn có thể. Điều này cũng có nghĩa rằng trong vài năm tới, Thaco không chỉ được nhắc đến như một tập đoàn lắp ráp ô tô mà còn là tên tuổi nổi bật nhất trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc và thủy sản bởi những đóng góp tiền tỷ từ các liên doanh với HVG và HNG.
Thực tế, không phải chỉ có Thaco có sự chuyển mình mạnh mẽ trong các hợp tác đình đám với các đại gia ở lĩnh vực chăn nuôi. Trong vòng 2-3 năm gần đây, xu hướng bắt tay làm ăn chung của các tỷ phú Việt đã bắt đầu khá phổ biến với các cuộc mua bán, sáp nhập có quy mô hàng ngàn tỷ.
Chẳng hạn ở lĩnh vực mía đường, Tập đoàn Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành, sau khi thâu tóm xong Đường Ninh Hòa, Mía đường Tây Ninh…, đã chính thức giành 40% thị phần của thị trường khi mua lại Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) và Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Sugar).
Trong lĩnh vực sữa, Tập đoàn Vinamilk hiện cũng đã chiếm gần 63% về sản lượng tiêu thụ và 57% thị phần doanh thu sau khi thâu tóm Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu (GTN Foods) vào cuối ngoái.
Ở lĩnh vực thực phẩm và bán lẻ, Tập đoàn Masan hiện cũng đã dẫn đầu thị trường sau khi mua lại hệ thống bán lẻ Vinmart của tập đoàn Vingoup. Trong khi đó, những tên tuổi khác như SaigonCo.op, Satra và Hapro, Nutifoods,… cũng đã chủ động hợp tác với nhau để nâng sức cạnh tranh và tạo điều kiện hoàn thiện hệ sinh thái liên doanh đầu tư đa ngành nghề.
Hiệu quả tái cấu trúc lẫn nhau
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc năm 2019, khối kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hộ kinh doanh) đã thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước và đóng góp khoảng 42% GDP. Trong đó, nhóm DN tư nhân đóng góp khoảng 10% GDP. Điều này cho thấy, động lực tăng trưởng kinh tế đang có sự tác động rất tích cực từ sự chuyển biến về chất của các tập đoàn kinh tế lớn.
Trên thực tế, không chỉ đóng góp mạnh mẽ vào chỉ tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, việc bắt tay của các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đã mang lại sự phát triển bền vững ở hầu hết các ngành và lĩnh vực.
Đơn cử, với cái bắt tay của Vingroup với Masan, hàng Việt Nam có cơ hội giữ lại được sân chơi trong bối cảnh các thương hiệu bán lẻ ngoại vẫn đang ra sức bành trướng quy mô, ở nhiều thời điểm thậm chí chèn lấn doanh nghiệp nội. Hay như sau việc Thành Thành Công mua lại cổ phần các công ty mía đường, lần đầu tiên trong lĩnh vực mía đường quy mô vùng nguyên liệu của các DN nội có thể đạt tới hàng trăm ngàn hecta và giá thành sản xuất có thể tiệm cận được với các quốc gia trong khu vực.
Không chỉ vậy, với sự “giải cứu” của Thaco, những tập đoàn nông nghiệp lớn mạnh như Hoàng Anh Gia Lai và Thủy sản Hùng Vương đang có những sự chuyển biến mạnh mẽ về các chỉ số tài chính. Sau một năm hợp tác với Thadi, Hoàng Anh Gia Lai đã trả phần lớn nợ đọng và đặt ra kỳ vọng doanh thu hàng tỷ USD ở mảng chăn nuôi và trồng trọt trong các năm sắp tới. Trong khi đó, ở HVG cũng đã chấm dứt được chuỗi dài “bán con gọi vốn” và tái cấu trúc thành công các mảng thua lỗ lũy kế do ảnh hưởng dịch bệnh và thị trường thủy sản biến động trong các năm trước để bắt đầu kỳ vọng đóng góp mạnh mẽ vào công nghệ chế biến thực phẩm thủy sản theo các chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể nói, sự trỗi dậy của khối kinh tế tư nhân, trong đó tiêu biểu là những cuộc bắt tay làm ăn chung của các tập đoàn doanh nghiệp lớn ở thời điểm hiện nay đang tạo ra sức bật rất mạnh cho nền kinh tế. Những tên tuổi lớn như: Vingroup, Masan, SunGroup, Đèo Cả, Vietjet, Thaco, FPT, Vinamilk… hiện nay đều đã trở thành những tập đoàn đa ngành, tham gia đầu tư ngày càng nhiều vào các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, giáo dục, y tế, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao…
Chính vì vậy, với những chuyển biến hiện tại, mục tiêu kỳ vọng đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55% được nhiều chuyên gia dự báo là hoàn toàn khả thi. Và trong vòng khoảng 10 năm sắp tới trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh và tỷ lệ tham gia mạng vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN tư nhân Việt Nam dự báo sẽ tiệm cận với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4).