Thông tin tín dụng cá nhân: Chuyện nhỏ mà không nhỏ!
Tư vấn về thông tin tín dụng cá nhân Tìm hiểu cách bảo vệ thông tin tín dụng cá nhân |
Cách đây vài tháng, anh T - chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ ngân hàng, thông báo anh có một khoản nợ xấu do nợ quá hạn thẻ tín dụng chưa thanh toán trong 3 tháng. Sau khi tìm hiểu, anh T mới hay hồ sơ thẻ tín dụng được mở theo thông tin chứng minh nhân dân (CMND) của mình nhưng chữ ký và số điện thoại lại là của người khác.
Anh T cho biết đã từng có nhờ người quen cầm CMND để đến ngân hàng lấy giúp hồ sơ. Tuy nhiên, anh T không ngờ người này đã lợi dụng mở thẻ tín dụng đứng tên anh và tiêu xài gây ra nợ xấu. Tương tự, một chủ doanh nghiệp tại Hà Nội bất ngờ phát hiện có khoản nợ hơn 50 triệu đồng tại một công ty tài chính dù chưa từng làm hồ sơ vay vốn tiêu dùng.
Qua xác minh, công ty tài chính cho biết khách hàng này đã bị các đối tượng lừa đảo giả mạo hồ sơ để đăng ký tài khoản vay qua ứng dụng. Cụ thể, kẻ gian đã nhặt được hoặc bằng cách nào đó có được CMND cũ bị mất trước đó của khách hàng và thay hình ảnh vào phôi CMND để làm giả hồ sơ vay.
Có thể nói, đây không phải là trường hợp cá biệt, không ít người cũng bỗng dưng phát hiện mắc nợ các tổ chức tín dụng, dù không làm hồ sơ vay vốn.
Theo các cơ quan chức năng, hiện nay có rất nhiều trường hợp lừa đảo tín dụng tiêu dùng gây ra nợ xấu cho khách hàng. Trong số này, có nhiều trường hợp bị làm giả CMND để vay vốn, mở thẻ tín dụng.
Các trường hợp giả mạo này chủ yếu là hồ sơ vay qua ứng dụng điện tử, cho vay trả góp. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người bị "dính" nợ xấu mà không hay biết. Thứ nhất là khách hàng có thể bị các đối tượng làm giả giấy tờ tùy thân. Thứ hai là khách hàng có thể cho người thân, người quen mượn hoặc vô tình để những người đó có được giấy tờ tùy thân của mình và họ sử dụng những giấy tờ đó làm hồ sơ vay ngân hàng.
Anh Lê Kong Lý (Thanh Hóa) chán nản, năm trước tin bạn tôi có đứng tên vay hộ bạn 500 triệu đồng. Ai ngờ bạn chậm trả lãi ngân hàng thế là tôi bị liệt vào nhóm nợ xấu! Giờ muốn vay tiền để làm ăn thì ngân hàng thông báo có nợ xấu và tôi không được vay! Giá mà có phần mềm nào có thể giúp người dân kiểm tra tình hình dư nợ của bản thân thì tốt biết bao nhiêu…
Quả thực, thông tin tín dụng cá nhân, hay nói nôm na là điểm tín dụng cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định tài chính của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Giờ đây các công ty tài chính, ngân hàng đều xem điểm tín dụng cá nhân là một điều kiện quan trọng để đưa ra những quyết định cho vay.
Theo nhận định của Công ty cổ phần Thông tin tín dụng Việt Nam (PCB) thì trong tương lai điểm tín dụng cá nhân có thể xem là yếu tố tiên quyết để các ngân hàng, tổ chức tài chính ra các quyết định để cấp tín dụng. Như vậy, mỗi cá nhân cần phải có trách nhiệm giữ "sạch" điểm tín dụng của mình. Thực tế, có nhiều người đã bỏ lỡ cả cơ hội lớn chỉ vì khoản nợ có vài trăm ngàn mà đôi khi không phải họ cố ý mà có thể họ không biết hoặc họ quên...
Nhiều, rất nhiều những câu chuyện về nợ xấu tín dụng mà người dân vô tình mắc phải nó vừa gây thiệt hại về tài chính vừa làm ảnh hưởng xấu đến khả năng vay vốn, tiếp cận tín dụng của khách hàng. Thấu hiểu những khó khăn ấy của người dân, Công ty PCB đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp "Phòng chống trộm cắp Thông tin định danh - ID365".
Theo Công ty PCB thì giải pháp "Phòng chống trộm cắp Thông tin định danh - ID365" của PCB sẽ giúp khách hàng bảo vệ thông tin định danh bằng cách gửi thông báo mỗi khi có thay đổi về tình trạng tín dụng liên quan tới việc sử dụng dữ liệu cá nhân của chính khách hàng đó. Khách hàng được yêu cầu Báo cáo tín dụng 6 lần trong nửa năm khi đăng ký gói dịch vụ. Khi kiểm tra Báo cáo tín dụng, khách hàng có thể kiểm tra được lịch sử tín dụng và điểm tín dụng của bản thân, từ đó có thể kiểm soát được sự thay đổi tín dụng và biết được liệu mình có phải là nạn nhân của gian lận tín dụng hay không.